Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, trên cơ sở Tờ trình số 49/TTr-CP ngày 15/2/2022 của Chính phủ về việc bổ sung dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2021 và Tờ trình số 50/TTr-CP ngày 15/2/2022 về việc bổ sung dự toán NSNN nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2020, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã tổ chức họp để cho ý kiến về nội dung trên.
Về Tờ trình số 50/TTr-CP, ông Nguyễn Phú Cường cho hay Thường trực Ủy ban nhận thấy việc tiếp nhận và đưa vào sử dụng viện trợ không hoàn lại là cần thiết và hợp lý; không thể chờ có dự toán mới tiếp nhận và thực hiện. Do vậy, Thường trực Ủy ban đề nghị bổ sung vào dự toán thu, chi NSNN để bảo đảm đủ căn cứ pháp lý thực hiện, hạch toán, quyết toán NSNN năm 2021 theo quy định tại Điều 8 của Luật Ngân sách Nhà nước.
Về Tờ trình số 49/TTr-CP, Thường trực Ủy ban cho rằng nội dung này tương tự với nội dung tại Tờ trình số 50/TTr-CP. Do vậy, Thường trực Ủy ban đề nghị bổ sung vào dự toán thu, chi NSNN để bảo đảm đủ căn cứ pháp lý thực hiện NSNN năm 2021 theo quy định tại Điều 8 của Luật Ngân sách Nhà nước.
Sau nghe các ý kiến phát biểu tại phiên họp, kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất về việc bổ sung dự toán NSNN nguồn vốn viện trợ không hoàn lại nước ngoài vào chi thường xuyên năm 2020 và năm 2021 để bảo đảm các khoản viện trợ không hoàn lại của nước ngoài đủ điều kiện hạch toán, quyết toán NSNN. Tuy nhiên, đây là khoản bổ sung dự toán nên cần trình Quốc hội để bảo đảm đúng thẩm quyền.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ cần quản lý chặt chẽ các khoản viện trợ không hoàn lại, không để xảy ra thất thoát, lãng phí và xác định trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc tiếp nhận các khoản viện trợ không hoàn lại, tránh chậm phân bổ dự toán được Quốc hội giao, chậm báo cáo Quốc hội xem xét quyết định bổ sung dự toán thu-chi NSNN; cần thống nhất số liệu kiểm toán nhà nước, kể cả các khoản phát sinh trong thời gian vừa qua liên quan đến viện trợ nước ngoài có liên quan tới công tác phòng chống dịch COVID-19; tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các văn bản pháp luật, tăng cường kiểm tra, giám sát đối với nguồn viện trợ không hoàn lại, bảo đảm hiệu quả, công khai, minh bạch, cả phần giá trị và hiện vật theo quy định.
Đối với Tờ trình số 50/TTr-CP, đề nghị Chính phủ rà soát số liệu, thống nhất với Kiểm toán Nhà nước, hoàn chỉnh hồ sơ để trình Quốc hội xem xét, bổ sung dự toán thu-chi phân bổ chi tiết cho bộ, ngành, địa phương khi trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2020.
Đối với Tờ trình số 49/TTr-CP, Chính phủ cũng cần rà soát, tổng hợp đầy đủ số liệu, thống nhất với Kiểm toán Nhà nước, hoàn chỉnh hồ sơ, báo cáo lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung dự toán phân bổ chi tiết cho các bộ, ngành, địa phương. Thời gian trình chậm nhất là trước kỳ họp thứ 4 của Quốc hội, tháng 10/2022.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến, hoàn thiện các ý kiến tham gia tại phiên họp, hoàn chỉnh hồ sơ, Tờ trình, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cơ quan thẩm tra, chính thức thẩm tra để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội xem xét quyết định./.
Nguyễn Hoàng