In bài viết

UBTVQH xem xét cho phép thực hiện một số chính sách đặc thù trong phòng chống dịch

(Chinhphu.vn) – Chiều 8/12, tại phiên họp thứ 6, UBTVQH đã xem xét việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và việc cho phép gia hạn thời gian lưu giữ hàng hóa tại cửa hàng miễn thuế, kho của doanh nghiệp bán hàng miễn thuế, hàng hóa gửi kho ngoại quan.

08/12/2021 18:00

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp.

Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trình bày cho biết, để thể chế hóa quan điểm của Đảng về phòng, chống dịch COVID-19 tại Kết luận số 20-KL/TW ngày 16/10/2021 Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII), Chính phủ đã giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch COVID-19.

Trên cơ sở đúc rút kinh nghiệm thực tiễn phòng, chống dịch 2 năm vừa qua, đồng thời qua rà soát, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ nhận thấy mặc dù Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 nhưng trên thực tế vẫn còn vướng mắc, bất cập do quy định tại các luật hiện hành chưa đáp ứng được yêu cầu đặc biệt, đặc thù, chưa có tiền lệ của công tác phòng, chống dịch.

Nhằm thực hiện đồng bộ, hiệu quả các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Chiến lược lược tổng thể về phòng, chống dịch COVID-19 đang được xây dựng, nhất là trong thời gian tới khi thống nhất chủ trương chuyển hướng phòng, chống dịch sang phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, phòng ngừa chủ động từ sớm, từ xa; để tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai, thực hiện Chiến lược, ngày 17/11/2021, Chính phủ đã có Tờ trình số 521/TTr-CP trình UBTVQH cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19 để thực hiện Chiến lược nói trên.  

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến góp ý trong quá trình chuẩn bị thẩm tra, Chính phủ đã tiếp tục hoàn thiện Nghị quyết, báo cáo và đề nghị UBTVQH cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách tập trung vào 4 nhóm vấn đề, gồm khám bệnh, chữa bệnh; thanh toán chi phí và chế độ chống dịch; dược; trang thiết bị y tế.

Đối với Tờ trình về việc cho phép gia hạn thời gian lưu giữ hàng hóa tại cửa hàng miễn thuế, kho của doanh nghiệp bán hàng miễn thuế, hàng hóa gửi kho ngoại quan, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết căn cứ Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh hàng miễn thuế đối với hàng hóa tạm nhập để bán tại cửa hàng miễn thuế, doanh nghiệp có hàng gửi kho ngoại quan nhưng quá thời hạn lưu giữ tại Việt Nam theo quy định của Luật Hải quan nhưng không thể tái xuất trả nước ngoài do tác động của dịch COVID-19, đề nghị bổ sung vào dự thảo Nghị quyết của UBTVQH về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 một điều quy định về việc cho phép gia hạn thời gian lưu giữ hàng hóa tại cửa hàng miễn thuế, kho của doanh nghiệp bán hàng miễn thuế, hàng hóa gửi kho ngoại quan.

Theo đó, cho phép hàng hóa lưu giữ tại cửa hàng miễn thuế, kho của doanh nghiệp bán hàng miễn thuế, hàng hóa gửi kho ngoại quan nhưng hết thời hạn lưu giữ theo quy định tại Điều 47, Điều 61 Luật Hải quan (bao gồm cả thời gian gia hạn) phát sinh trong thời gian Thủ tướng Chính phủ công bố dịch COVID-19 theo Quyết định số 447/QĐ-TTg ngày 1/4/2020, được tiếp tục lưu giữ đến ngày cơ quan, người có thẩm quyền công bố hết dịch COVID-19 trên phạm vi toàn quốc và được gia hạn một lần không quá 12 tháng kể từ thời điểm công bố hết dịch. Thẩm quyền gia hạn thời gian lưu giữ hàng hóa tại cửa hàng miễn thuế, kho của doanh nghiệp bán hàng miễn thuế, hàng hóa gửi kho ngoại quan thực hiện theo quy định của Luật Hải quan.

Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Xã hội của Quốc hội nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị quyết của UBTVQH cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; khẳng định các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế được Chính phủ trình UBTVQH cho phép thực hiện là những nội dung quan trọng, liên quan đến sự an toàn, tính mạng và sức khỏe người dân, có đối tượng tác động lớn, do đó, cần được xem xét một cách kỹ lưỡng, thận trọng.


Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trình bày Tờ trình của Chính phủ tại phiên họp

Thẩm tra Tờ trình về việc cho phép gia hạn thời gian lưu giữ hàng hóa tại cửa hàng miễn thuế, kho của doanh nghiệp bán hàng miễn thuế, hàng hóa gửi kho ngoại quan, Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của UBTVQH về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có nội dung gia hạn thời gian lưu giữ hàng hóa tại cửa hàng miễn thuế, kho của doanh nghiệp bán hàng miễn thuế, hàng hóa gửi kho ngoại quan với những lý do đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ...

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên UBTVQH cơ bản nhất trí với Tờ trình và báo cáo thẩm tra cũng như sự cần thiết ban hành Nghị quyết về các nội dung nêu trên.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan thuộc Chính phủ, của Quốc hội trong việc cho ý kiến để giải quyết vấn đề quan trọng và cấp bách này, nhằm vừa đảm bảo kịp thời, vừa đảm bảo đúng trình tự, thủ tục.

Theo Chủ tịch Quốc hội, những vấn đề trên nên tách thành 2 nghị quyết riêng, Nghị quyết về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 và Nghị quyết về cho phép gia hạn thời gian lưu giữ hàng hóa tại cửa hàng miễn thuế, kho của doanh nghiệp bán hàng miễn thuế, hàng hóa gửi kho ngoại quan.

Đối với Nghị quyết về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ phòng, chống dịch COVID-19, Chủ tịch Quốc hội cho rằng các vấn đề đưa ra tại phiên họp đều có sự thống nhất cao giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan trình; lưu ý Chính phủ, Bộ Y tế tiếp thu tối đa những ý kiến thảo luận để Nghị quyết có tính chính xác và khả thi cao, đồng thời cần sớm có dự thảo văn bản hướng dẫn để khi Nghị quyết có hiệu lực sẽ có văn bản hướng dẫn thực thi được ngay.

Nguyễn Hoàng