Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Ngọc Hoà, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Khu vực III cho biết: Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) là điều ước quốc tế quan trọng nhất về luật biển trên phạm vi toàn cầu; là văn kiện pháp lý quốc tế có giá trị phổ quát, giúp các quốc gia thiết lập trật tự pháp lý toàn diện, công bằng, hòa bình trên biển.
"UNCLOS 1982 là cơ sở pháp lý quốc tế quan trọng hỗ trợ các quốc gia trong việc quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên biển cho sự phát triển bền vững của các thế hệ mai sau. Đây cũng là công cụ hữu hiệu để các quốc gia giải quyết tranh chấp phát sinh từ biển, góp phần bảo vệ hòa bình và an ninh quốc tế", PGS.TS Nguyễn Ngọc Hoà cho hay.
Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Hoà, từ góc độ UNCLOS 1982, Biển Đông là khu vực đặc thù, chứa đựng tất cả các nội dung liên quan của UNCLOS 1982 như quốc gia ven biển, quốc gia quần đảo, nước không có biển, nước bất lợi về mặt địa lý, các vùng biển thuộc quyền tài phán quốc gia, vùng nước lịch sử, vùng đánh cá, phân định biển, vấn đề biển kín và nửa kín, eo biển quốc tế, hợp tác quản lý tài nguyên sinh vật, các đàn cá di cư xa và đàn cá xuyên biên giới, khai thác chung, bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, chống cướp biển, an toàn hàng hải, tìm kiếm cứu nạn...
Các quy định của UNCLOS 1982 là cơ sở để các quốc gia trong khu vực Biển Đông kiềm chế và quản lý các nguy cơ đối với an ninh trên biển; là cơ sở để các bên đưa ra các yêu sách vùng biển hợp pháp, từ đó xác định được các quyền và nghĩa vụ của mình; UNCLOS 1982 cũng thiết lập cơ chế hợp tác về bảo vệ môi trường, nghiên cứu khoa học biển, nghĩa vụ hợp tác giữa các quốc gia. Cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS 1982 có thể được vận dụng và tiến tới giải quyết tranh chấp, trong đó các quốc gia có nghĩa vụ đạt được giải pháp tạm thời trong khi tranh chấp chưa được giải quyết triệt để.
Theo Phó Giám đốc Học viện Chính trị Khu vực III, thực tiễn cho thấy, vấn đề Biển Đông luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, diễn biến phức tạp, khó lường, đe dọa đến an ninh, hòa bình, ổn định và phát triển của các nước trong khu vực. Cho đến nay, một số quốc gia ven Biển Đông vẫn còn những cách giải thích khác nhau, sự áp dụng và vận dụng UNCLOS 1982 khác nhau khi xác định phạm vi ranh giới các vùng biển, dẫn đến sự chồng lấn vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Sau 40 năm được chính thức ký kết, UNCLOS 1982 là một khuôn khổ pháp lý đa phương và toàn diện nhằm giúp các quốc gia khai thác, sử dụng và quản lý biển, đại dương một cách hòa bình, công bằng, bền vững trên cơ sở tôn trọng chủ quyền của nhau.
Hội thảo khoa học "Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 với Việt Nam trong tình hình mới" sẽ góp phần làm rõ hơn giá trị của UNCLOS 1982 trong quản trị biển hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia và sự phát triển bền vững biển và đại dương. Tham dự hội thảo có các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị của Trung ương; đại diện các trường thành viên thuộc Đại học Đà Nẵng; đại diện các khoa, giảng viên Học viện Chính trị khu vực III…
Tại Hội thảo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và đại biểu đã tập trung thảo luận những nội dung chủ yếu như: Giá trị phổ quát của UNCLOS 1982 trong thiết lập và duy trì trật tự pháp lý toàn diện, công bằng, hòa bình trên biển và đại dương; vai trò và trách nhiệm của những quốc gia thành viên trong tham gia và thực thi các quy định tại UNCLOS 1982; quá trình Việt Nam tham gia và thực hiện các nội dung UNCLOS 1982; những khó khăn và thách thức trong giải quyết các tranh chấp, khác biệt trên Biển Đông và thực thi các quy định của UNCLOS 1982 về phân định biển giữa các quốc gia ven Biển Đông trong tình hình mới.
Nhật Anh