In bài viết

Ứng dụng công nghệ số trong phát triển kinh tế tập thể tại Thái Nguyên

(Chinhphu.vn) - Hiện nay, các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã áp dụng thành công việc ứng dụng chuyển đổi số để phát triển kinh tế tập thể. Đây là xu hướng tất yếu trong xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế số trong lĩnh vực nông nghiệp.

18/10/2023 14:25
Ứng dụng công nghệ số trong phát triển kinh tế tập thể tại Thái Nguyên - Ảnh 1.

Chè là đặc sản nổi tiếng của tỉnh Thái Nguyên - Ảnh: VGP/TT

Với thương hiệu chè nổi tiếng, cùng nhiều vườn trà trung du cổ quý hiếm, Tân Cương được nhiều người chọn là nơi khởi nghiệp, trong đó có bà Hoàng Thị Tân, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Tâm Trà Thái.

Bà Tân cho biết: "Từ một tổ hợp tác ban đầu gồm 3 thành viên sản xuất chè trung du truyền thống từ năm 2005, do nhu cầu thị trường và phát triển sản xuất, đến năm 2018, tôi đã thành lập Hợp tác xã Tâm Trà Thái gồm 8 thành viên, có trụ sở chính đặt tại xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên với nghề sản xuất, chế biến chè búp khô. Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất được hợp tác xã quan tâm để sản xuất chè an toàn theo quy trình VietGAP, hướng hữu cơ. HTX Tâm Trà Thái cũng từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo thành chuỗi liên kết sản xuất, kinh doanh. Năm 2020 đã có 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao được nhiều du khách và người tiêu dùng biết đến thông qua các chương trình triển lãm thương mại, hội chợ, hội nghị trên toàn quốc".

Tuy nhiên, khi đại dịch COVID-19 xảy ra, HTX đã gặp vô vàn khó khăn trong khâu tiếp thị khách hàng do toàn bộ các hoạt động bị ngừng trệ. Từ đó, HTX Tâm Trà Thái đã tích cực tham gia các lớp chuyển đổi số. 

"Từ một người không hiểu thế nào là chuyển đổi số, không biết cách giới thiệu sản phẩm, không biết bán hàng trên trang thương mại điện tử, nhưng nhờ sự nỗ lực học tập, tôi tự tin livestream bán hàng giới thiệu sản phẩm qua các sàn thương mại. Đặc biệt sử dụng thành thạo các app vận chuyển, quản lý được đơn hàng và khách hàng, tiết kiệm thời gian và chi phí. Khách hàng chỉ cần quét mã Qr trên sản phẩm là đã kết nối trực tiếp được nhà sản xuất, thông tin minh bạch và hạn chế được hàng nhái, hàng giả", bà Tân chia sẻ.

Ứng dụng công nghệ trong quản lý sản xuất

Ứng dụng công nghệ số trong phát triển kinh tế tập thể tại Thái Nguyên - Ảnh 2.

Hiện nay nhiều sản phẩm chè của Thái Nguyên đã đạt chuẩn sản phẩm OCOP và được ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, quản lý - Ảnh: VGP/TT

Tương tự như HTX Tâm Trà Thái, HTX chè Hảo Đạt cũng là một trong các đơn vị tiêu biểu thực hiện ứng dụng công nghệ số trong quản lý sản xuất và xúc tiến thương mại trên nền tảng xã hội để phát triển kinh tế HTX.

Bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc Hợp tác xã chè Hảo Đạt chia sẻ, HTX thành lập năm 2016, tiền thân là tổ hợp tác chè Hảo Đạt, nằm trong vùng chè đặc sản của tỉnh, có khí hậu và thổ nhưỡng đặc biệt. Thành viên HTX là những người có kinh nghiệm trong việc trồng, chăm sóc, chế biến chè truyền thống từ nhiều năm. HTX được thành lập với mục tiêu để sản phẩm trà Thái Nguyên ngày càng phát triển, nâng cao chất lượng và mở rộng thị trường, tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho thành viên và người lao động; góp phần vào xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Ngay từ khi thành lập, đơn vị đã xây dựng kế hoạch, hướng dẫn cho các thành viên tổ chức sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGap, theo hướng hữu cơ. Hàng năm đều cử cán bộ, thành viên đi tập huấn kỹ thuật về chăm sóc, chế biến chè, tập huấn về sở hữu trí tuệ. Hướng dẫn cho các thành viên cách ghi chép, chăm sóc, chế biến theo đúng quy trình VietGap. Hiện nay, HTX có 10 ha chè với sản lượng chè búp tươi đạt khoảng 180 tấn/năm. Ngoài ra HTX bao tiêu sản phẩm chè búp tươi của các tổ hợp tác, hộ dân có hợp đồng liên kết trên địa bàn.

Đơn vị đã tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho thành viên, người lao động tại địa phương, với mức thu nhập bình quân đạt 7 đến 8 triệu đồng/người/tháng, qua đó đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Để đạt được kết quả đó là do sự cố gắng nỗ lực, đoàn kết của tập thể lãnh đạo, thành viên HTX, sự quan tâm của chính quyền địa phương, các cấp, các ngành. HTX đã thực hiện tốt hoạt động liên kết, hỗ trợ thành viên trong việc tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ về giống, phân bón, khoa học kỹ thuật chăm sóc

Theo bà Hảo, nhận thức được vai trò và lợi ích của chuyển đổi số nên HTX chè Hảo Đạt đã thực hiện chuyển đổi số một cách linh hoạt, phù hợp, đạt hiệu quả cao, tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn nhân lực. Đồng thời góp phần thay đổi phương thức sản xuất, giải phóng tối đa sức lao động, gia tăng giá trị sản phẩm và tiếp cận nhanh với thị trường và gắn với chuỗi giá trị.

Ngoài việc trưng bày giới thiệu sản phẩm, bán sản phẩm ngay tại nơi sản xuất, HTX còn giới thiệu, quảng bá trên các trang website, tham gia các chương trình trưng bày sản phẩm tại các trung tâm thương mại, hội chợ và các tỉnh trên cả nước. Tất cả các sản phẩm của HTX đều được dán mã QR để quản lý chất lượng sản phẩm chè. Bên cạnh đó, việc giao dịch bán hàng trên Facebook, Zalo, Shoppee, Lazada,….vừa giúp HTX quảng bá được sản phẩm, vừa giúp mang sản phẩm đến tay người dùng được dễ dàng, nhanh chóng, tiết kiệm được thời gian và chi phí.

"Trước khi chuyển đổi số sản phẩm đơn điệu, chưa bắt mắt về hình thức, sản lượng bán ra hàng tháng chưa được cao. Từ khi thực hiện chuyển đổi số, sản phẩm của HTX được bán ra thị trường tăng lên rõ rệt. Sản phẩm được thiết kế bao bì, đóng gói bắt mắt, không những đáp ứng nhu cầu sử dụng, mà còn trở thành món quà tặng, mang lại trải nghiệm mới cho người dân cả trong và ngoài nước", bà Hảo cho biết.

Trong khâu sản xuất chế biến sản phẩm, HTX đã chuyển đổi từ sản xuất, chế biến thủ công sang sử dụng các máy móc, thiết bị hiện đại như: Máy hút chân không, phòng lạnh bảo quản, hệ thống sao sấy bằng điện,… Ngoài ra, hiện nay, HTX cũng đã ứng dụng các phần mềm quản lý văn bản và theo dõi công văn, sử dụng phần mềm hệ thống quản lý bán hàng KiotViet, giúp quản lý đơn hàng một cách dễ dàng và giảm được một phần công sức khi làm việc. 

Thiện Tâm