In bài viết

Ủng hộ chủ trương kiềm chế và các biện pháp hòa bình của Việt Nam

(Chinhphu.vn) - Các chính khách trên thế giới ủng hộ các hoạt động chính nghĩa, chủ trương kiềm chế, sử dụng các biện pháp hòa bình của Việt Nam, đồng thời kêu gọi các bên đàm phán, giải quyết tranh chấp hiện nay bằng biện pháp hòa bình.

20/06/2014 16:05

Ngày 18/6, tại thủ đô Colombo của Sri Lanka, Hội Đoàn kết Sri Lanka-Việt Nam đã tổ chức tọa đàm về tình hình Biển Đông. Tới dự có Chủ tịch Đảng Cộng sản Sri Lanka Raja Collure; Tổng Thư ký Hội Đoàn kết Sri Lanka-Việt Nam S. Sudasinghe cùng nhiều luật sư, học giả, phóng viên báo chí và các hãng truyền hình sở tại.

Phát biểu tại cuộc tọa đàm, Chủ tịch Đảng Cộng sản Sri Lanka Raja Collure đã bày tỏ lo ngại trước tình hình căng thẳng trên Biển Đông, nhấn mạnh việc Trung Quốc đặt giàn khoan chỉ cách bờ biển Việt Nam 120 hải lý, hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là hành động sai trái. Ông ủng hộ các hoạt động chính nghĩa, chủ trương kiềm chế, sử dụng các biện pháp hòa bình của Việt Nam, đồng thời kêu gọi các bên đàm phán, giải quyết tranh chấp hiện nay bằng biện pháp hòa bình.

Tổng Thư ký Hội Đoàn kết Sri Lanka-Việt Nam S. Sudasinghe hoan nghênh Đại sứ quán Việt Nam đã giúp dư luận và báo giới Sri Lanka có những thông tin cập nhật về tình hình tại Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh lập trường của hội phê phán hành động sai trái của Trung Quốc, ủng hộ Việt Nam trong việc sử dụng các biện pháp hòa bình nhằm giảm căng thẳng tại Biển Đông.

Trong thư phúc đáp gửi tới Hội Doanh nhân Việt Nam tại Australia mới đây, Thượng nghị sỹ Australia Scott Ryan cho rằng các bên ở Biển Đông phải tôn trọng luật pháp quốc tế và hành động phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc (LHQ) về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Thượng nghị sỹ Ryan cho biết Australia có lợi ích hợp pháp trong việc duy trì hòa bình và ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, thương mại không bị cản trở và tự do hàng hải. Theo ông, các nước ASEAN và Trung Quốc cần sớm hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Trước đó, Hội hữu nghị Australia-Việt Nam đã gửi thư tới Ngoại trưởng Julie Bishop bày tỏ phản đối các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông và đề nghị Chính phủ Australia tiến hành các biện pháp cần thiết để bảo vệ hòa bình, an ninh khu vực.

Ngày 16/6, Đại sứ Việt Nam tại Chile Hà Thị Ngọc Hà đã gặp Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Chile Juan Pablo Letelier Morel để thông báo về tình hình Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Chile cho biết ông đã gặp và trao đổi với Phái đoàn Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh G77 tại Bolivia vừa qua và luôn theo dõi sát sao vấn đề này. Ông bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam và cho rằng đây là một vấn đề chính trị hết sức nghiêm trọng. Về lập trường của Thượng viện Chile, ông cho biết cơ quan lập pháp Chile luôn đoàn kết với Việt Nam.

Ông Euan Graham từ Trường Nghiên cứu quan hệ quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), cho rằng chuyến thăm Việt Nam của Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì cho thấy dường như Trung Quốc đang cố gắng lấy điểm trong mắt cộng đồng quốc tế sau khi hạ đặt giàn khoan. Chuyến thăm của ông Dương có thể chứng tỏ là Bắc Kinh vẫn cam kết đối thoại với Việt Nam ở một số cấp độ. Nhưng thực tế là hai bên không tìm được tiếng nói chung. Tôi cho rằng quan hệ hai nước vẫn căng thẳng vì Trung Quốc không lùi bước ở Hoàng Sa.

UNCLOS năm 1982 đem lại cơ chế giải quyết tranh chấp hòa bình, nhưng Trung Quốc không bị buộc thực hiện nghĩa vụ theo phán quyết và họ cũng đã từ chối tham gia. Trung Quốc có thể muốn tiếp tục cách tiếp cận song phương vì cơ chế đó có lợi hơn cho việc thể hiện sức mạnh của họ. Điều đó giải thích một phần cho chuyến thăm Hà Nội của ông Dương Khiết Trì.

Về việc khai hoang và xây dựng của Trung Quốc đại lục và Đài Loan ở Biển Đông, ông Euan Graham cho đây là một chỉ dấu nghiêm trọng về lâu dài với Biển Đông, nghiêm trọng hơn cả việc đặt giàn khoan dầu. Hành động này rõ ràng vi phạm Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), mà Trung Quốc đã ký với ASEAN. Nó cũng khiến triển vọng hoàn tất COC trở nên khó khăn hơn. Trung Quốc có vẻ như đang vội vàng đẩy mạnh quyền kiểm soát có hạn của họ tại Trường Sa trước khi vụ kiện của Philippines được tòa án trọng tài phân xử.

Ông Euan Graham nhấn mạnh: Trung Quốc đang thua trong cuộc chiến giành sự ủng hộ của thế giới, khi những hành động gần đây của họ thể hiện, theo đúng nghĩa đen, hình ảnh của một kẻ bắt nạt. Trung Quốc dường như đã chuẩn bị trước để chấp nhận điều này, coi đó là cái giá về chính trị để trả cho hai điều. Một, về dài hạn, là chuẩn bị cho các mục tiêu của họ bên trong đường chín đoạn. Hai, về ngắn hạn, là thực hiện nhu cầu củng cố các vị trí ở khu vực đó trước khi tòa án trọng tài xử lý vụ kiện của Philippines, và tranh thủ lúc Mỹ đang bận tâm tới các cuộc khủng hoảng khác.

Cần lưu ý rằng trong tài liệu gửi LHQ, Trung Quốc có kèm cả một bản đồ các hoạt động thương mại của Công ty Dầu khí Hải Dương (CNOOC) cùng giàn khoan Hải Dương 981. Như vậy rõ ràng yêu sách chủ quyền của họ không chỉ với Hoàng Sa mà toàn bộ phần bên trong "đường 9 đoạn".

Đăng Đức (tổng hợp)