In bài viết

Ứng phó bão số 3: Cấm biển, sơ tán gần 38.000 dân

(Chinhphu.vn) – Thực hiện hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương được dự báo chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 3 thực hiện lệnh cấm biển (các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Ninh Bình), đồng thời đã sơ tán 37.643 người dân ở đầm, chòi canh, nhà xung yếu đến nơi an toàn (Quảng Ninh: 3.024 người; Hải Phòng: 1.182 người; Nam Định: 7.069 người; Thái Bình: 24.795 người; Ninh Bình: 1.573 người).

19/08/2016 10:30
Lực lượng chức năng triển khai việc cấm xe máy, phương tiện thô sơ qua cầu Bãi Cháy. Ảnh: Báo Quảng Ninh
Quảng Ninh:
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, từ 8 giờ sáng nay 19/8, đơn vị quản lý cầu Bãi Cháy đã cấm các phương tiện xe máy, xe thô sơ lưu thông trên cầu.

Công ty TNHH MTV quản lý cầu phà Quảng Ninh đã bố trí ô tô chở người và phương tiện thô sơ, xe máy qua cầu Bãi Cháy để đảm bảo an toàn.

Trước đó, vào tối 18/8, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long đã yêu cầu các đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm túc, cụ thể, đúng các nội dung chỉ đạo theo Công điện của Thủ tướng Chính phủ (chiều 18/8) và các chỉ đạo của tỉnh.

Theo đó, các thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị đóng trên địa bàn tỉnh, Tập đoàn Than, Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Đông Bắc, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h, theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão và mưa lũ sau hoàn lưu của bão để chủ động phòng chống ngập lụt.

Thực hiện ngay phương châm “ 4 tại chỗ” để xử lý kịp thời các tình huống phát sinh, đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân.

Bắt đầu cấm biển từ 8h sáng ngày 19/8; các địa phương chỉ đạo việc gia cố lồng bè nuôi trồng thủy sản, tổ chức kêu gọi, di dân từ các lồng bè lên tránh trú,  hoàn thành công việc trước 12 giờ ngày 19/8 (toàn tỉnh hiện có khoảng 1.145 lồng bè nuôi trồng thủy sản với khoảng 4.000 người.

Hải Phòng: Tính đến chiều tối 18/8, Thành phố đã kêu gọi và đưa được hơn 3.200 phương tiện về nơi tránh trú an toàn, không còn tàu thuyền nào ngoài khơi.

Phương án và các biện pháp bảo vệ 5.000 ha nuôi trồng thủy sản như tập trung rút nước đã được thực hiện từ chiều tối đến đêm 18, rạng sáng 19/8.

Đối với 32 điểm xung yếu, Thành phố tổ chức lực lượng thường trực cắm chốt 24/24 giờ để ứng cứu kịp thời. TP. Hải Phòng đã có lệnh cấm biển từ 17 giờ ngày 18/8.

Đêm 18/8, UBND TP. Hải Phòng ban hành công điện khẩn yêu cầu tổ chức di dân tại những khu vực nguy hiểm đến nơi tránh trú an toàn (có thể sử dụng biện pháp cưỡng chế); cho phép học sinh từ bậc mầm non đến THPT nghỉ học…

Ông Nguyễn Hồng Diên, Chủ tịch UBND tỉnh và đoàn công tác kiểm tra công tác phòng, chống bão tại cảng cá Cửa Lân, xã Nam Thịnh (Tiền Hải). Ảnh; Báo Thái Bình
Thái Bình: Chiều 18/8, lực lượng biên phòng các huyện Tiền Hải, Thái Thụy… đã tập trung lực lượng, phương tiện, nhân lực của đơn vị, của trạm triển khai đi kêu gọi tuyên truyền cho bà con, đặc biệt là bà con đánh bắt khai thác ở ven biển Thái Bình và ngư dân nuôi trồng thủy hải sản trên các đầm vùng ngoài đê. Đến chiều 18/8, cơ bản ngư dân đã vào đến bờ.

Tại TP. Thái Bình, lực lượng chức năng chỉ đạo các địa phương tập trung kiểm tra và thực hiện phương án di dời dân tại các nhà cao tầng đã xuống cấp nghiêm trọng, không an toàn, nhà tạm, nhà trọ, nhà cấp 4, nhà yếu trong khu dân cư và nhà tầng xuống cấp ở các cơ quan, đơn vị và các xã, phường Lê Hồng Phong, khu dân cư ven đê Nhất Thanh (phường Kỳ Bá), phường Quang Trung.

Tính đến  chiều tối 18/8, toàn tỉnh Thái Bình đã di dời được trên 5.520 hộ dân/7.284 hộ sống tại các khu vực nhà yếu vào nơi tránh trú an toàn, trong đó các huyện Vũ Thư, Kiến Xương, Đông Hưng, Quỳnh Phụ đã cơ bản hoàn tất việc di dân.

Nam Định: Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các  thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN bám sát địa bàn được phân công để phối hợp với lãnh đạo các địa phương chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác triển khai chống bão.

Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh rà soát, kiểm đếm, yêu cầu các loại tàu thuyền vào nơi neo đậu, tránh trú; 100% lao động sản xuất trên biển vào bờ.

Cấm hoạt động tham quan, du lịch, tắm ở khu vực bãi biển từ 8 giờ ngày 19/8. Các sở, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động triển khai các phương án phòng, chống bão theo quy định. Chú trọng bảo đảm an toàn phòng, chống bão tại 3 huyện ven biển.

TP. Nam Định chủ động thực hiện phương án sơ tán người dân ở các nhà yếu nhà tạm, nhà không an toàn và chú ý công tác chống úng, thoát nước; phải tập trung chằng chống các cây mới dựng lại sau bão số 1.

Các địa phương huy động nhân lực, chuẩn bị vật tư, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động ứng phó với bão. Hoàn thiện việc xử lý giờ đầu đối với các điểm đê, kè bị sạt, lở trước 13 giờ ngày 19/8. Các đơn vị thủy lợi tiếp tục vận hành toàn bộ hệ thống tiêu rút triệt để nước ruộng; chủ động các phương án chống ngập úng.

Ninh Bình: Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ  về công tác ứng phó bão số 3, tính đến 17 h ngày 18/8, tỉnh đã kêu gọi được 95 tàu với 312 ngư dân neo đậu vào nơi tránh trú bão an toàn.

Đến 18h, tiếp tục có 31 tàu với 62 ngư dân đang hoạt động ven biển khu vực Ninh Bình - Thanh Hóa về nơi neo đậu; tất cả 366 lao động khai thác, nuôi, trồng thuỷ, hải sản ở bãi bồi ven biển hoàn thành di dời vào khu vực an toàn.

Huyện Kim Sơn đã tổ chức di dân từ đê Bình Minh II đến đê Bình Minh III. Huyện Yên Mô, Nho Quan di dời xong các hộ dân trong lòng hồ Yên Đồng và hồ Thường Xung, Quèn Thạch.

Các địa phương đã tổ chức các lực lượng tuần tra canh gác đảm bảo an toàn đê điều hồ đập các trọng điểm xung yếu theo phương án đã phê duyệt. Từ 19h ngày 18/8, tất cả các tuyến đò ngang, đò dọc trên địa bàn tỉnh đã dừng hoạt động. 39 trạm bơm, các cống dưới đê, cống tiêu nước trong hồ đang vận hành tiêu thoát nước.

Công ty Điện lực Ninh Bình đã tổ chức chằng chống các cột điện. Các trụ sở cơ quan, kho tàng, nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà dân,…tổ chức cắt tỉa cây cối, chằng chống nhà cửa, đảm bảo an toàn, an ninh.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó bão số 3 tại huyện Hậu Lộc. Ảnh: Báo Thanh Hóa
Thanh Hóa: Tối 18/8, Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh  họp khẩn để triển khai các giải pháp ứng phó bão số 3.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung cao độ và nghiêm túc trong triển khai các giải pháp phòng tránh thiệt hại, tuyệt đối không để thiệt hại về người và hạn chế thấp nhất thiệt hại tài sản.

Sở NN&PTNTphân công cán bộ về các huyện phối hợp trong việc neo buộc tàu thuyền; ngay trong đầu giờ sáng 19/8, kiên quyết không để người trên tàu, các chòi canh thủy sản.

Các địa phương chủ động di dời ngay dân ở khu vực mép nước có nguy cơ nguy hiểm. Các huyện miền núi  di dân kịp thời ở vùng nguy hiểm...

Ngày 19/8, tất cả thành viên Ban Chỉ huy phải xuống cơ sở chỉ đạo các địa phương ven biển phòng chống bão.

Cảnh sát giao thông TP. Hà Nội ứng trực bảo đảm an toàn cho người đi đường trong cơn mưa chiều tối 18/8
Hà Nội: Ngày 18/8, UBND TP. Hà Nội ban hành công điện yêu cầu các quận, huyện, thị xã, sở, ngành liên quan khẩn trương tiêu thoát nước nội đồng, sẵn sàng tiêu thoát nước đô thị; kiểm tra kiểm soát an toàn đê điều, hồ đập; bảo đảm giao thông, nhất là khu vực nội đô, các đường giao thông huyết mạch và các điểm thường xảy ra úng ngập, hạn chế tối đa thiệt hại do mưa bão gây ra…

Ứng phó với bão số 3, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc trực 24/24 giờ, bảo đảm sẵn sàng phương tiện, máy móc, giải quyết thoát nước.

Theo dự báo, đêm 19/8 và rạng sáng ngày 20/8, tại Hà Nội có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, mưa lớn 200 mm.

Lào Cai: Sáng 19/8, UBND tỉnh phát công điện khẩn yêu cầu các địa phương, đơn vị kịp thời thông báo ngay cho người dân không nghỉ qua đêm tại lều, lán nương, rẫy, không đi làm nương, chăn thả gia súc xa nơi cư trú để kịp di chuyển về nhà khi mưa bão; không vớt củi, đánh bắt cá tại các sông, suối khi nước lũ lên cao.

Các thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN cấp huyện phụ trách xã trực tiếp xuống ngay cơ sở, phối hợp với cấp ủy, chính quyền cấp xã thực hiện phương án sơ tán, di chuyển người dân đang sinh sống tại các khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ sạt, lở  đến nơi an toàn (có thể sử dụng biện pháp cưỡng chế).

Các chủ đập hồ chứa thuỷ điện, thuỷ lợi thực hiện kiểm tra hồ đập, thực hiện vận hành hồ chứa đúng quy trình.

Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ (kể cả thứ Bảy, Chủ nhật), theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến của thời tiết kịp thời báo cáo về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh để tổng hợp, báo cáo.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (cơ quan thường trực công tác TKCN) chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực xung yếu, sẵn sàng hỗ trợ các địa phương triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn, tổ chức sơ tán khi có yêu cầu.

Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, giám đốc các sở, ngành thuộc UBND tỉnh hạn chế tổ chức hoặc dự các cuộc họp không cần thiết, mang tính nghi lễ, đi công tác ngoài tỉnh để tập trung đi kiểm tra, nắm bắt tình hình tại cơ sở.

Sơn La: Ban Chỉ huy PCTT và TKCN đề nghị UBND các huyện, thành phố; các sở, ban ngành tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 3 và thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết và mưa, lũ kịp thời chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương và người dân triển khai các biện pháp phòng tránh, ứng phó với mưa lớn, lũ quét, sạt lở, ngập lụt. Đặc biệt nhưng vùng suy yếu vừa trải qua đợt mưa liên tục vài ngày đã và đang bão hòa nước ngấm trong đất...

Cảnh báo cho dân cư sống trong vùng ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, ngập lụt chủ động các biện pháp phòng tránh, ứng phó; chủ động phương pháp sơ tán dân đến nơi an toàn

Sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để đối phó với những tình huống xấu có thể xảy ra, ứng cứu khi có yêu cầu. Chủ động các phương án, giải pháp, chuẩn bị các điều kiện ứng phó kịp thời và khẩn trương khắc phụ hậu quả, nhằm giảm mức thấp nhất thiệt hại.

Tổ chức kiểm tra, tuần tra, ứng trực kiểm  soát sự an toàn khu dân cư vùng nguy cơ lũ quét, sạt lở, ngập lụt; các đập, hồ chứa thủy lợi, thủy điện; các tuyến đường giao thông huyết mạch, các khu vực ngập lụt để hướng dẫn người, phương tiện qua lại đảm bảo an toàn; tuyền truyền vận động nhân dân cư trú ven sông, khe lạch, taluy, cảnh giác trong các hoạt động sinh hoạt và sản xuất ven sông suối phòng tránh lũ quét,sạt lở, ngập lụt an toàn khi mưa, lũ.

Tổ chức trực ban nghiêm túc, bảo đảm thông tin thông suốt.

BT