In bài viết

Ứng phó quyết liệt để hạn chế thiệt hại do xâm nhập mặn

(Chinhphu.vn) - Như tin đã đưa, sáng 7/3, tại TP. Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã làm việc với các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long về công tác phòng, chống xâm nhập mặn.

07/03/2016 15:20
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm việc với các tỉnh, thành phố ĐBSCL về công tác phòng, chống xâm nhập mặn. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết từ cuối năm 2014, El Nino đã ảnh hưởng tới nước ta, làm cho nhiệt độ tăng cao, thiếu hụt lượng mưa; lượng nước ngọt trên nhiều lưu vực sông giảm mạnh, gây ra tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn, tác động tiêu cực đến sản xuất, đời sống nhân dân và chúng ta cũng đã dự báo được trước ảnh hưởng El Nino mang tính lịch sử này.

Do tác động của El Nino, trong năm 2015, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, thời tiết khắc nghiệt đã diễn ra ở khá nhiều địa phương trên cả nước, nhất là ở khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, và ĐBSCL.

Dự báo được trước tình hình, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành chức năng hết sức quan tâm, chia sẻ với những thiệt hại của nhân dân do thiên tai gây ra, đồng thời quyết liệt chỉ đạo, đề ra nhiều giải pháp ứng phó.

Đặc biệt, các bộ, ngành chức năng, các địa phương đã chủ động cung cấp thông tin đến nhân dân qua các phương tiện thông tin truyền thông. Qua đó, các cấp chính quyền và nhân dân đã nỗ lực, chủ động triển khai các giải pháp ứng phó với thiên tai với mục tiêu giảm tối đa thiệt hại do tác động tiêu cực của hạn hán, xâm nhập mặn đến sản xuất và đời sống.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thị sát vùng bị xâm nhập mặn tại thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: VGP.Nhật Bắc
Về vùng ĐBSCL, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, đây là vùng kinh tế trọng điểm của cả nước; có vị trí đặc biệt về kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng; có vị trí quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. ĐBSCL cũng là vùng có nhiều tiềm năng để phát triển, nhất là về sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, nuôi trồng thủy sản.

Bên cạnh thuận lợi, vùng cũng đứng trước những khó khăn thách thức rất lớn, trong đó có tình hình hạn hán và xâm nhập mặn đang diễn ra nghiêm trọng do những tác động tiêu cực của đợt El Nino mang tính lịch sử gây ra. Theo dự báo, đợt El Nino này sẽ kéo dài tới tháng 6, trong đó tháng 4 sẽ là đỉnh điểm.

Nhiệm vụ chính trị trọng tâm

Trong bối cảnh như trên, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành chức năng, các địa phương trong vùng cần tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, kể cả trước mắt và lâu dài để hạn chế thấp nhất thiệt hại, giảm tới mức thấp nhất khó khăn của người dân, dứt khoát không để hộ dân nào bị đói do thiên tai; coi đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm để tập trung, quan tâm chỉ đạo.

Theo đó, phải bảo đảm được nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho nhân dân nhằm ngừa phát sinh và lây lan dịch bệnh; không để xảy ra tình trạng thiếu nước uống, nước sinh hoạt hợp vệ sinh (hiện đang có tới 155.000 hộ dân thiếu nước ngọt). Bảo đảm nước ngọt phục vụ cho sản xuất lúa, cây ăn quả, trồng và bảo vệ rừng, nuôi trồng thủy hải sản…

Về sản xuất lúa, phải tập trung thu hoạch và ngăn mặn, bảo vệ cho được diện tích lúa Đông Xuân hiện nay nhằm giảm thiệt hại. Với diện tích lúa đã bị thiệt hại (khoảng 140.000 ha), cần kịp thời hỗ trợ theo quy định để khôi phục lại sản xuất. Chính phủ bảo đảm nguồn kinh phí hỗ trợ. Cùng với đó, phải kịp thời chuẩn bị cho việc xuống giống vụ Hè Thu.

Cần đắp đập để giữ nước ngọt ở những vùng có thể giữ được. Đối với những vùng hiện tại không thể giữ ngọt được, dứt khoát không xuống giống vụ Hè Thu, song phải hết sức quan tâm, hỗ trợ nhân dân chuẩn bị để xuống giống vụ Thu Đông khi đã bảo đảm được điều kiện.

Đối với các diện tích có thể sản xuất được 3 vụ lúa thì phải hết sức quan tâm hỗ trợ và khuyến khích tối đa sản xuất 3 vụ.

Bên cạnh lúa, một thế mạnh khác của vùng ĐBSCL là cây ăn trái với diện tích khoảng 300.000 ha, các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền phải sát sao cùng với nhân dân tìm mọi cách ngăn mặn, giữ ngọt, bảo đảm tưới tiêu cho cây ăn trái. Do hầu hết là cây lâu năm, thời gian trồng dài mới cho thu hoạch nên nếu bị thiệt hại thì sẽ rất lớn và rất khó khôi phục lại.

“Muốn giữ diện tích cây ăn trái phải có nước ngọt. Dự báo 3 tháng nữa mới có mưa, vì vậy phải tìm mọi cách bảo vệ, giữ diện tích cây ăn trái, bảo đảm ít thiệt hại nhất”, Thủ tướng yêu cầu.

Do bị xâm nhập mặn, nhiều diện tích nước ngọt ở Hậu Giang không sử dụng được cho sinh hoạt và trồng trọt. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Về nuôi trồng thủy sản, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng cần đặc biệt quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật nuôi trồng để duy trì, bảo vệ và phát triển được diện tích nuôi tôm, cá tra, cá basa… qua đó bảo đảm thu nhập, việc làm cho người dân.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục bảo vệ cho được diện tích rừng hiện hữu; kiểm soát, triển khai hiệu quả các biện pháp phòng chống cháy rừng đi liền với trồng và mở rộng diện tích rừng.

Liên quan đến nhiệm vụ lâu dài, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, theo nhiều dự báo, Việt Nam sẽ là một trong số ít nước trên thế giới bị chịu tác động nặng nề nhất do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đang đến rất nhanh và đến sớm hơn so với dự báo.

Chính phủ đã có chiến lược, quy hoạch hạ tầng thủy lợi, chương trình hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng với những giải pháp căn cơ, lâu dài.

Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương cần hết sức nỗ lực triển khai thực hiện hiệu quả các đề án, chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra về ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, trong đó trước hết là các nhiệm vụ về quy hoạch, đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống hạ tầng thủy lợi trong vùng nhằm ngăn mặn, giữ ngọt, chống ngập, chống sạt lở… phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất và đời sống dân sinh.

Bộ TN&MT cần kịp thời cập nhật, dự báo tình hình, xây dựng các kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Các bộ, ngành chức năng, các địa phương trong vùng cũng cần hết sức quan tâm rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của vùng, cũng như của từng địa phương trong vùng ĐBSCL phù hợp, thích ứng với các kịch bản về ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; xác định các dự án cấp bách cần tập trung đầu tư.

Nhân đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu từng tỉnh cũng phải xem xét, rà soát lại các nhà máy cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt của nhân dân.

Chủ động hỗ trợ nhân dân

Liên quan đến kinh phí hỗ trợ nhân dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, Thủ tướng nêu rõ, đối với các khoản kinh phí hỗ trợ đã có quy định, cần chủ động thực hiện theo quy định, bảo đảm nguồn hỗ trợ này tới tay người dân bị thiệt hại do thiên tai kịp thời, đầy đủ để sớm ổn định cuộc sống và khôi phục sản xuất.

“Bộ Tài chính cứ hỗ trợ theo quy định. Ví dụ một công lúa, một ha lúa bị thiệt hại hỗ trợ bao nhiêu thì cứ ứng trước vốn. Các địa phương khi được ứng kinh phí phải thực hiện theo đúng quy định, sau quyết toán lại. Không để dân bị thiệt hại, sản xuất bị thiệt hại mà chưa có kinh phí, chưa bố trí kịp kinh phí, phải đợi kinh phí”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng đề nghị dự phòng ngân sách địa phương cũng như ngân sách Trung ương trước hết phải dành hỗ trợ nhân dân, trong đó ưu tiên hàng đầu là hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai.

Đối với các khoản kinh phí phát sinh, các nguồn kinh phí đầu tư theo yêu cầu, kế hoạch, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các địa phương cần chủ động tính toán, báo cáo Trung ương để kịp thời được xem xét, hỗ trợ, cấp vốn.

Thủ tướng cũng khẳng định Trung ương luôn quan tâm, hỗ trợ các địa phương vùng ĐBSCL trong phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng thủy lợi, các công trình phòng chống ngập mặn, giữ ngọt, chống sói mòn, sạt lở…

Đồng thời đề nghị các địa phương trong vùng cũng cần hết sức nỗ lực, đề cao tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo trong huy động các nguồn lực đầu tư vào phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội; phát huy hơn nữa tiềm năng, lợi thế của địa phương trong thực hiện các mục tiêu phát triển, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân.

Cùng với đó, hết sức quan tâm việc đề ra các giải pháp hiệu quả để khắc phục khó khăn, thách thức, hạn chế, nhất là khó khăn, hạn chế về hạ tầng giao thông, chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất.

Nguyễn Hoàng