Miền Trung: "rốn" thiên tai hoành hành
Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung gồm 14 tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Bình Thuận có diện tích tự nhiên 95.792 km2, dân số trên 19 triệu người. Đây là dải đất dài và hẹp, độ dốc lớn, bị chia cắt mạnh bởi các dãy núi thông ra biển. Vì vậy, đây là vùng thường xuyên xảy ra thiên tai, đặc biệt là bão, lũ, lụt, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản cho người dân trong khu vực.
Lũ ở miền Trung thường về rất nhanh, có cường độ mạnh, gây ngập lụt trên diện rộng làm nhiều địa bàn bị chia cắt, cô lập. Do điều kiện địa hình hẹp và dốc nên ở đây lũ thường về nhanh nhưng cũng rút nhanh. Tuy nhiên, những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên thiên tai thường xảy ra với tần suất cao và có diễn biến khó lường, không theo quy luật. Tình trạng lũ lụt kéo dài, "lũ chồng lên lũ" không còn là hiện tượng hiếm gặp tại các địa phương trong vùng.
Thiên tai đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho người dân, đồng thời gây trở ngại cho việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng. Tổng hợp báo cáo của các địa phương cho thấy: trong 5 năm gần đây, tại khu vực này, thiên tai lũ, lụt đã làm chết trên 1.500 người; nhiều tài sản, tư liệu sản xuất thiết yếu, lương thực, thực phẩm... bị phá hủy; trong đó trên 500.000 căn nhà bị hư hỏng, hơn 42.000 căn nhà bị sập đổ hoặc nước cuốn trôi. Riêng năm 2010 thiên tai các loại làm 282 người chết, trên 87.000 căn nhà bị hư hỏng và trên 3.500 căn nhà bị sập đổ cùng nhiều tài sản thiết yếu khác. Hơn 500 xã bị ngập sâu trên 1,5 m, trong đó nhiều xã bị chia cắt, cô lập hoàn toàn, gây khó khăn cho việc ứng cứu, hỗ trợ của chính quyền.
Cần một Chương trình trợ giúp hiệu quả
Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước thường xuyên quan tâm đến việc phòng, chống thiên tai. Nhà nước đã ban hành nhiều chương trình, chính sách phòng chống và làm giảm nhẹ thiên tai cũng như các chính sách hỗ trợ khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Thực hiện các chương trình, chính sách phòng chống thiên tai, các địa phương vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung đang triển khai thực hiện nhiều biện pháp như : Trồng rừng, khơi thông dòng chảy các sông suối; gia cố hệ thống đê điều; bố trí, di dời các hộ dân vùng ngập lụt tới nơi an toàn; xây dựng những công trình công cộng như trụ sở cơ quan, trường học, trạm y tế có sàn vượt mức ngập lụt để người dân tạm trú khi có lũ, lụt; các hộ dân làm gác lửng để cất giữ tài sản... Tuy nhiên, do mức độ nguy hiểm của lũ, lụt, đồng thời do khả năng phòng chống của các công trình nhà ở của người dân trong vùng còn hạn chế, kể cả do tâm lý của người dân nên hầu như năm nào trong vùng cũng có người bị chết do thiên tai lũ, lụt, kèm theo là tài sản, tư liệu sản xuất, lương thực, thực phẩm của người dân bị thiên tai phá hủy, gây thiệt hại hết sức nghiêm trọng. Công sức lao động, tiết kiệm để kiến thiết, xây dựng nhà ở của người dân trong cả năm hoặc nhiều năm bị mất hết chỉ sau một trận lũ.
Hàng năm, Nhà nước và chính quyền địa phương đã tốn nhiều thời gian, công sức và tiền của để thực hiện cứu trợ cho người dân bị thiệt hại do thiên tai gây ra. Sau mỗi trận lũ, lụt lớn, tiền cứu trợ từ ngân sách có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
|
Theo báo cáo nhanh của các tỉnh trong vùng lũ lụt Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, trong mùa lũ năm 2010, có khoảng 260.000 hộ có nhà ở bị ngập sâu trong khoảng từ 1,5 - 3,6 m. Kết quả tính toán căn cứ vào tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới (giai đoạn 2011-2015) của từng tỉnh, thành phố do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội điều tra thì trong số 260.000 hộ nói trên có khoảng 60.000 hộ nghèo.
Để giải quyết một cách căn bản vấn đề phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại do lũ, lụt gây ra cho người dân trong khu vực, tạo điều kiện để người dân có cuộc sống an toàn, ổn định, theo Bộ Xây dựng, rất cần một chính sách hỗ trợ hộ nghèo nâng cao điều kiện an toàn chỗ ở, ứng phó với lũ, lụt vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Số vốn ước tính cho thực hiện chính sách này đến năm 2015 khoảng 1.200 tỷ đồng.
Thạch Long