Uống rượu thời gian dài sẽ dẫn đến nghiện rượu, sút cân, chán ăn, rối loại tiêu hóa do tổn thương gan và ruột |
Rượu được con người phát hiện từ 2.500 năm trước công nguyên và hiện nay, rượu, bia trở thành một thức uống phổ biến trên thế giới, đặc biệt trong các dịp lễ Tết, các cuộc hiếu hỉ.
Theo nhiều nghiên cứu, rượu, bia nếu uống một lượng phù hợp sẽ có lợi cho sức khỏe như: Ngăn ngừa bệnh tim mạch ở nam giới trên 35 tuổi và phụ nữ trên 45 tuổi; giảm nguy cơ bệnh tiểu đường.
Bia có thể làm giảm nguy cơ loãng xương, đặc biệt với phụ nữ đã qua thời kỳ mãn kinh. Bia còn chứa một số chất dinh dưỡng giúp ngăn ngừa nhiều loại bệnh, trong đó có bệnh Alzheimer, béo phì và trầm cảm.
Tuy nhiên, do rượu, bia trở thành đồ uống phổ biến trong mỗi dịp liên hoan, hiếu hỉ, lễ Tết và trong những ngày này lượng rượu, bia tiêu thụ tăng lên đáng kể, nên số người nhập viện do say rượu, bia, thậm chí bị ngộ độc rượu cũng gia tăng.
Ngộ độc rượu được biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau, từ nhẹ là không kiềm chế kiểm soát được cảm xúc, dễ tức giận, nổi nóng, đi đứng không vững… đến ngộ độc nặng: Bị nôn nhiều, vã mồ hôi, hôn mê, mạch nhanh, thở nông, hạ huyết áp, có thể tử vong nếu không được cấp cứu. Ngộ độc rượu xảy ra khi uống quá mức đáp ứng của cơ thể, kể cả với những sản phẩm đã được xác nhận an toàn thực phẩm.
Nguy cơ càng tăng với hậu quả khó lường đối với sức khỏe nếu dùng phải rượu giả, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ; rượu có chứa nhiều methanol có thể mù mắt và tử vong cao, nhất là khi sử dụng rượu ngâm lá, rễ, cây, động vật có chứa độc tố tự nhiên.
Uống rượu thời gian dài sẽ dẫn đến nghiện rượu, sút cân, chán ăn, rối loại tiêu hóa do tổn thương gan và ruột, đặc biệt gây thoái hóa gan, xơ gan dẫn tới ung thư gan.
Đối với hệ tim mạch, uống rượu gây nhồi máu cơ tim, đột quỵ ở những người có huyết áp cao. Ngoài ra uống rượu còn gây mất trí nhớ, run, rối loạn tinh thần.
Phụ nữ mang thai uống nhiều rượu có nhiều tác hại như gây sinh non, ảnh hưởng đến phát triển thể chất, tinh thần, trí tuệ của đứa trẻ, gây ngộ độc cho thai nhi.
Uống rượu nhiều đã nguy hiểm, nhưng uống cùng lúc nhiều loại rượu, hay uống rượu pha với nước có gas như soda, nước ngọt đóng chai lại càng nguy hiểm hơn, nhất là với những người có tiền sử đau dạ dày. Sự kết hợp này khiến không ít người phải nhập viện trong tình trạng đau bụng vã mồ hôi, người run lẩy bẩy do đau dạ dày.
Không chỉ dừng lại ở chuyện say rồi tỉnh, việc uống rượu nhiều dễ dẫn đến các hành vi gây nguy hiểm cho chính bản thân người uống rượu và xã hội như: Lái xe không an toàn, sinh hoạt tình dục không an toàn, lãnh đạm với người thân, thờ ơ với công việc hoặc bị giảm khả năng lao động…
Uống rượu bia thế nào là đúng cách?
Khi 90% rượu, bia tập trung tại gan để chờ chuyển hóa, gan sẽ sử dụng một loại men xúc tác có tên là Nicotintamid Adenin Dinucleotid (NAD) để thực hiện quá trình chuyển hóa, giải độc. Các nhà khoa học cho biết, để gan có thể sản xuất kịp men NAD giúp chuyển hóa và giải độc bia rượu thì đối với một người trưởng thành khỏe mạnh, sức khỏe bình thường chỉ uống dưới 2 đơn vị cồn/ngày với nam giới, dưới 1 đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới và không uống quá 5 ngày trong một tuần.
1 đơn vị cồn tương đương 10g cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống. Tức là 1 đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai/lon bia 330 ml (5%); 1 cốc bia hơi 330ml; 1 ly rượu vang 100 ml (13,5%); hoặc 1 chén rượu mạnh 30 ml (40%).
Đặc biệt, không sử dụng rượu bia trong các trường hợp: Điều khiển phương tiện cơ giới, vận hành máy móc, có thai hoặc đang cho con bú, đang điều trị thuốc có phản ứng với cồn, có các tình trạng bệnh lý mà rượu bia làm cho bệnh nặng lên.
Khi uống rượu, bia bạn đừng so sánh tửu lượng của mình với bất cứ ai. Hãy luôn tôn trọng những tín hiệu của cơ thể. Nếu cảm thấy đủ, nên ngừng uống ngay.
Nên ăn một ít thức ăn trước khi cạn ly, giúp rượu không bị hấp thụ nhanh. Nên ăn thực phẩm rán, chiên khi uống rượu vì protein và chất béo cần nhiều thời gian để tiêu hóa hơn sẽ giúp kéo dài thời gian hấp thụ, hạn chế phần nào tác dụng của rượu. Bạn cũng có thể ăn lòng trắng trứng gà hoặc trứng vịt, vì chất albumin của lòng trắng trứng sẽ làm kết tủa, giảm khả hấp thu rượu vào máu, bảo vệ niêm mạc dạ dày trước tác động kích thích rượu.
Không uống rượu với nước ngọt có gas: Khi rượu và khí gas gặp nhau trong cơ thể sẽ làm cho cồn nhanh chóng lan tỏa khắp toàn thân, làm say hơn. Sau khi uống rượu cũng nên tránh các loại nước có chứa caffeine (cà phê và trà), vì chúng có thể làm tăng hiệu ứng say xỉn.
Không uống nhiều loại rượu, bia cùng lúc: Rượu mạnh, rượu vang, rượu thuốc, bia... mỗi loại có thành phần và liều lượng khác nhau, khi uống lẫn lộn, sẽ dễ làm bạn say hơn.
Uống rượu từ từ cũng là cách giảm cơn say, vì một lượng rượu lớn bất ngờ vào cơ thể trong thời gian ngắn gây tác động nhanh, mạnh tới não bộ, có thể dẫn tới nhanh say hơn. Nên uống nhiều nước lọc vì nước sẽ giúp phá vỡ cấu trúc rượu, làm giảm độ say.
Làm ấm rượu trước khi uống (như ngâm vào nước nóng): Dưới tác động của nhiệt độ, một số chất có hại trong rượu sẽ bay hơi, từ đó giảm được những tác động xấu của rượu tới sức khỏe cơ thể.
BS. Nguyễn Ngọc Dũng