Khởi tạo từ một hoạt động nội bộ của VNG vào năm 2017, mô hình thể thao thiện nguyện mới lạ mà UpRace mang tới đã kết nối hiệu quả người chạy, doanh nghiệp và đối tác xã hội.
Năm 2018, UpRace có 32.000 người tham gia. Năm 2020, UpRace bùng nổ với gần 115.000 người. Con số này tăng gấp đôi trong năm 2021 và đến năm 2022 là 350.981 người đã chạy bộ cùng UpRace, tăng hơn 11 lần chỉ sau 5 năm.
Tại sao UpRace lại làm được điều đó?
Cơ chế tham gia của UpRace không đơn thuần là những câu khẩu hiệu kêu gọi chạy vì cộng đồng. UpRace cũng không đặt trọng tâm kêu gọi các cá nhân sử dụng tiền để quyên góp. Điều UpRace muốn lan tỏa là thông qua việc rèn luyện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động (vốn dĩ rất cần thiết trong cuộc sống bộn bề hiện đại ngày nay) thì người chạy có thể cùng lúc tạo ra những giá trị, dù nhỏ bé, để đóng góp cho xã hội.
Giới hạn về địa lý, thời gian, quy hoạch đường chạy, năng lực tổ chức các giải chạy quy mô lớn đều đã được giải quyết thông qua nền tảng UpRace. Trải dài trên khắp mảnh đất hình chữ S là dấu chân của cộng đồng chạy bộ. Ngay cả khi miền Trung gặp khó khăn vì những cơn bão lũ lớn, "runner" nơi đây vẫn là tập thể rất máu lửa, kết quả là CLB Hà Tĩnh Runner và CLB Bình Trị Thiên Runners đều xuất sắc dành vị trí top 1 và top 2 bảng xếp hạng các CLB.
Năm 2022 cũng đánh dấu lần đầu tiên UpRace tổ chức chuỗi sự kiện chạy bộ tại một số trường đại học trên cả nước (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Bưu chính Viễn thông, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Trường Đại học Bách khoa TPHCM, Trường Đại học Khoa học tự nhiên-Đại học Quốc gia TPHCM), thu hút gần 2.000 sinh viên tham gia. Sự kiện không chỉ giúp thế hệ tương lai của đất nước rèn luyện thói quen sinh hoạt năng động, mà còn học cách sẻ chia với những khó khăn của cộng đồng.
Nhân viên góp sức thực hiện trách nhiệm xã hội cùng doanh nghiệp
UpRace cũng giúp nhiều doanh nghiệp giải bài toán tối ưu nguồn lực chi phí và nguồn lực con người để cùng lúc hoàn thành 2 mục tiêu: Gắn kết tập thể nhân viên thông qua các hoạt động thể thao nội bộ và thể hiện sự quan tâm với các vấn đề trong xã hội thông qua hình thức quyên góp mới mẻ.
Sử dụng chính nền tảng công nghệ của UpRace, các doanh nghiệp có thể tạo ra những cuộc thi chạy dành cho nhân viên với luật chơi hấp dẫn, đảm bảo thu hút đông đảo người tham gia và từ đó, tăng cường sự gắn bó của các phòng, ban. Việc rèn luyện sức khỏe đều đặn cũng trực tiếp giải phóng năng lượng tiêu cực của nhân viên và góp phần xây dựng một môi trường làm việc lành mạnh, cân bằng.
Từ số km do nhân viên hoàn thành, doanh nghiệp cam kết tài trợ ít nhất 1 km = 1.000 đồng, số tiền này được ủy quyền cho quỹ UpRace đóng góp cho các đối tác xã hội.
Trong suốt 5 năm triển khai, hơn 16,5 triệu km chạy bộ đã được hoàn thành và hơn 25 tỷ đồng đã được quyên góp cho các đối tác xã hội. Chỉ tính riêng năm 2021, hơn 5 triệu km chạy bộ từ người chạy trong 22 ngày đã tạo ra kinh phí để đào tạo 350 cán bộ y tế, cung cấp gần 3.500 trang thiết bị giúp giảm tỉ lệ trẻ sơ sinh tử vong, phẫu thuật cho 122 bệnh nhi bị hở hàm ếch, trồng 20,563 cây xanh tại 4 thành phố lớn Hà Nội, TPHCM, Huế và Đà Nẵng.
Mỗi km chạy viết tiếp những hành trình mới
Trên chặng đường đã qua, UpRace đã đồng hành cùng nhiều đối tác xã hội uy tín và mang tầm ảnh hưởng lớn như: Newborns Vietnam, Operation Smile Vietnam, GreenViet, Vietseed, Saigon Children Charity, Hội Bảo trợ trẻ em mồ côi và người khuyết tật Việt Nam, Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam. Sự đóng góp của các cá nhân và doanh nghiệp không chỉ giới hạn ở vật chất, mà còn mang đến niềm vui và cơ hội mới cho những hoàn cảnh khó khăn.
"Mô hình UpRace đã tạo điều kiện cho tất cả mọi người đều có thể tham gia, không phân biệt xuất phát điểm, tuổi tác, giới tính, ai cũng có cơ hội đóng góp cho cộng đồng. Chúng tôi dự kiến phân bổ nguồn tiền tài trợ nhận được từ dự án để tạo sinh kế cho 100 người khuyết tật và trao tặng học bổng, xe đạp cho 500 em học sinh mồ côi, khuyết tật được đến trường", ông Nguyễn Trọng Đàm, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH, Chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ em mồ côi và người khuyết tật Việt Nam chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam cũng cho biết, mỗi bước chạy giống như mỗi bữa sáng, dù nhỏ nhưng lại mang nhiều ý nghĩa: "Chúng tôi tin rằng, qua UpRace chúng ta không chỉ biết đến sống khỏe cho bản thân, mà còn quan tâm và thực hiện nhiều điều có ích cho xã hội".
Bà Trần Xuân Ngọc Thảo, Giám đốc Truyền thông VNG, đại diện dự án UpRace nhấn mạnh: "5 mùa UpRace đã mang đến cho chúng tôi rất nhiều niềm tự hào và hạnh phúc. Tự hào khi là một ứng dụng và sự kiện chạy bộ được đông đảo cộng đồng tin tưởng đồng hành trong suốt thời gian qua và hạnh phúc với những giá trị mà cùng nhau mang lại cho các tổ chức xã hội".
Bên cạnh cam kết sẽ dành nguồn lực để tiếp tục đầu tư vào nền tảng, duy trì sự kiện hàng năm, VNG rất mong sẽ từng bước đưa UpRace trở thành sản phẩm mang dấu ấn của cộng đồng ngày một rõ nét.
HM