Theo phản ánh của ông Nhơn, năm 2007 trên địa bàn tỉnh Bình Định có một số doanh nghiệp chuyển đổi từ doanh nghiệp tư nhân thành công ty TNHH hai thành viên, trong quá trình chuyển đổi doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường và chỉ làm thủ tục chuyển đổi.
Sau khi chuyển đổi, doanh nghiệp huy động thêm vốn, lập dự án đầu tư xây dựng nhà xưởng, đầu tư dây chuyền sản xuất mới, nhằm mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, cải thiện môi trường sinh thái, nâng cao năng lực sản xuất.
Thực tế theo sổ sách về kế toán cũng như tình hình sản xuất sau đầu tư xong thì năng suất, giá trị đều tăng. Ông Nhơn muốn được biết trường hợp này doanh nghiệp có thuộc đối tượng được hưởng theo điểm 1, Điều 35, Nghị định 24/2007/NĐ-CP ngày 14/2/2007 của Chính phủ hay hưởng theo điểm 1, Điều 36 Nghị định này hoặc theo điểm 1, Mục IV và điểm 2, Mục IV, Phần E Thông tư 134/2007/TT-BTC của Bộ Tài chính?
Ông Nhơn cũng đề nghị cho biết, nếu các doanh nghiệp đạt tiêu chí theo quy định tại Thông tư 03/2009/TT-BTC hướng dẫn thực hiện giảm, gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) theo Nghị quyết 30/2008/NQ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ thì có được hưởng chính sách theo Thông tư này không, nếu chưa được hưởng thì doanh nghiệp phải làm thủ tục gì để được hưởng chính sách trên?
Vấn đề ông Nhơn hỏi, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
Không được ưu đãi về thuế theo diện cơ sở mới thành lập từ dự án đầu tư
Tại khoản 1, Điều 35, Nghị định 24/2007/NĐ-CP quy định:
"Cơ sở kinh doanh mới thành lập từ dự án đầu tư, cơ sở kinh doanh di chuyển địa điểm được miễn thuế, giảm thuế như sau:
Được miễn 02 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp cho 2 năm tiếp theo đối với cơ sở sản xuất mới thành lập từ dự án đầu tư và cơ sở kinh doanh di chuyển địa điểm ra khỏi đô thị theo quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt".
Theo Điểm 1, Mục IV , Phần E, Thông tư 134/2007/TT-BTC ngày 23/11/2007 của Bộ Tài chính quy định:
"Cơ sở kinh doanh thành lập trong các trường hợp dưới đây không hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp theo diện cơ sở kinh doanh mới thành lập từ dự án đầu tư:
- Cơ sở kinh doanh thành lập trong các trường hợp chia, tách, sáp nhập, hợp nhất theo quy định của pháp luật.
- Cơ sở kinh doanh thành lập do chuyển đổi hình thức doanh nghiệp, chuyển đổi sở hữu (trừ các trường hợp giao, bán doanh nghiệp nhà nước theo Nghị định số 80/2005/NĐ-CP ngày 22/6/2005 của Chính phủ về giao, bán, khoán kinh doanh, cho thuê công ty Nhà nước)".
Căn cứ quy định nêu trên thì trường hợp năm 2007, trên địa bàn tỉnh Bình Định có một số doanh nghiệp chuyển đổi từ doanh nghiệp tư nhân thành Công ty TNHH hai thành viên thì công ty này được thành lập do chuyển đổi không được ưu đãi về thuế TNDN theo diện cơ sở kinh doanh mới thành lập từ dự án đầu tư.
Ưu đãi thuế TNDN đối với đầu tư mở rộng
Tại Điểm 2, Mục IV, Phần E, Thông tư 134/2007/TT-BTC nêu trên có hướng dẫn về nguyên tắc xác định ưu đãi thuế TNDN đối với đầu tư mở rộng, theo đó cơ sở kinh doanh đang hoạt động có đầu tư lắp đặt dây chuyền sản xuất mới, mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, cải thiện môi trường sinh thái, nâng cao năng lực sản xuất thì được hưởng ưu đãi miễn thuế, giảm thuế TNDN cho phần thu nhập tăng thêm do đầu tư mang lại.
Đối với trường hợp các doanh nghiệp này thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi đối với đầu tư mở rộng theo mức nào thì do dữ liệu câu hỏi của ông Nhơn nêu không đầy đủ nên Tổng cục Thuế không có đủ căn cứ để trả lời cụ thể. Tổng cục Thuế đề nghị ông Nhơn hướng dẫn các doanh nghiệp liên hệ trực tiếp với cơ quan thuế địa phương để được hướng dẫn cụ thể.
Liên quan đến phạm vi, đối tượng áp dụng và thủ tục để được hưởng chính sách giảm thuế, giãn thuế theo Thông tư 03/2009/TT-BTC ngày 13/1/2009 của Bộ Tài chính đã quy định cụ thể về đối tượng, phạm vi áp dụng cũng như cách thức kê khai để được giảm thuế, giãn thuế theo Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP ngày 11/12/2008. Tổng cục Thuế đề nghị ông Nhơn nghiên cứu để hướng dẫn các doanh nghiệp.
Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng cảm ơn Tổng cục Thuế đã có hướng dẫn công dân qua Cổng TTĐT Chính phủ.
Ban Bạn đọc