Ảnh minh họa |
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập; tình trạng các cơ sở giáo dục thiếu phòng học, thư viện, nhà vệ sinh, bếp, nhà ăn, phòng ở nội trú, bán trú còn nhiều, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa.
Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công thư số 281/LĐCP ngày 06 tháng 9 năm 2016 “... huy động mọi nguồn lực xã hội, làm sao để trong 1 đến 2 năm tới có sự tiến bộ rõ rệt về phòng học, thư viện, nhà vệ sinh, nhất là cho cấp tiểu học, trung học cơ sở và các trường học ở vùng sâu, vùng xa...”, đồng thời, căn cứ vào tình hình thực tiễn nêu trên, để tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp chỉ đạo thực hiện hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp học.
Cụ thể, chỉ đạo các cơ quan quản lý giáo dục, các cơ sở giáo dục và các cơ quan có liên quan thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, trong đó đảm bảo quỹ đất để xây dựng các cơ sở giáo dục phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường, lớp học, đảm bảo hiệu quả đầu tư lâu dài.
Ưu tiên quỹ đất để xây dựng trường học khi di chuyển thu hồi các kho bãi, khu đất bị bỏ hoang, sử dụng kém hiệu quả...; bố trí quỹ đất tại các khu đô thị mới, khu tái định cư, khu vực đông dân cư để xây dựng trường học; ưu đãi về chính sách đất đai để đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục theo các quy định của Nhà nước.
Bên cạnh đó rà soát, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu về cơ sở vật chất. Chỉ đạo cơ quan quản lý giáo dục, các cơ sở giáo dục tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng cơ sở vật chất hiện có của các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; trên cơ sở đó, xác định nhu cầu xây dựng mới, sữa chữa, cải tạo, với mục tiêu ưu tiên các hạng mục công trình: phòng học, thư viện, nhà vệ sinh, nhà ăn, phòng ở cho học sinh nội trú, học sinh bán trú và đặc biệt chú trọng các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo.
Đồng thời rà soát, điều chỉnh, bố trí, sắp xếp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất hiện có của các cơ sở giáo dục. Kiểm tra và giám sát việc lập kế hoạch, tổ chức quản lý sử dụng, sửa chữa và bảo quản cơ sở vật chất ở các cơ sở giáo dục để đảm bảo khai thác và sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và giáo dục.
Ưu tiên ngân sách địa phương đầu tư cơ sở vật chất
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị các tỉnh dành ngân sách thỏa đáng từ nguồn vốn ngân sách địa phương để đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục; thực hiện lồng ghép có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia (Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020), chương trình mục tiêu của ngành giáo dục (Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2014 - 2015, lộ trình đến năm 2020, Chương trình mục tiêu giáo dục miền núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn giai đoạn 2016-2020, Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) và các chương trình, dự án, đề án khác đã được phê duyệt.
Khuyến khích, huy động đến mức cao nhất mọi nguồn lực, các nguồn vốn trong dân cư, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế và các nhà đầu tư dưới nhiều hình thức (góp vốn xây dựng, hiến đất xây dựng, đầu tư xây dựng trực tiếp, cho vay vốn đầu tư xây dựng...) để góp phần giải quyết các khó khăn trong đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục.
Khánh Linh