In bài viết

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo công tác dân nguyện

(Chinhphu.vn) – Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 7/2022 tại phiên họp thứ 14 diễn ra vào chiều 9/8.

09/08/2022 17:46
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo công tác dân nguyện - Ảnh 1.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 7/2022 tại phiên họp thứ 14 - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Báo cáo tại phiên họp, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, cử tri và nhân dân bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng; đánh giá cao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời có những giải pháp đúng đắn chỉ đạo, điều hành nên mặc dù tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhưng kinh tế-xã hội những tháng đầu năm 2022 tiếp tục phục hồi rõ nét và đạt được kết quả quan trọng, khá toàn diện.

Cử tri hoan nghênh việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội và kỳ vọng chất lượng công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội ngày càng hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật; kịp thời phát hiện những nội dung trái với Hiến pháp, luật, văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên hoặc không còn phù hợp với thực tiễn để kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ, đáp ứng ngày càng tốt hơn ý kiến, nguyện vọng của cử tri và góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Cử tri và nhân dân bày tỏ sự đau xót trước hi sinh của 3 chiến sĩ cảnh sát phòng cháy, chữa cháy khi tham gia cứu nạn, chữa cháy tại quán karaoke ở Hà Nội và kiến nghị cần tăng cường thanh tra, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước, tuyên truyền, kiểm tra, hướng dẫn hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh thực hiện, duy trì điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy.

Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm phản ánh việc giá xăng đã điều chỉnh giảm nhưng giá các mặt hàng thiết yếu vẫn chưa giảm tương ứng; việc người dân đi làm các thủ tục liên quan đến các giao dịch dân sự, hành chính nhưng một số cơ quan, tổ chức còn yêu cầu người dân cung cấp sổ hộ khẩu gốc hoặc bản sao hộ khẩu có công chứng; về hoạt động vay tiền qua mạng xã hội và qua các ứng dụng trên điện thoại thông minh gây nên tình trạng mất ổn định an ninh, trật tự xã hội; một số thông tin cá nhân của người dân bị lộ lọt ra ngoài, nhiều đối tượng lợi dụng giả danh lừa đảo qua điện thoại, gây tâm lý hoang mang cho người dân và bất ổn xã hội; các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tài khoản ngân hàng của người dân qua zalo, facebook, điện thoại vẫn còn xảy ra;...

Về kết quả tiếp nhận, xử lý và giải quyết kiến nghị của cử tri, trong tháng, qua báo cáo kết quả tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 3 của Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Dân nguyện tổng hợp được 1.029 kiến nghị của cử tri. Sau khi rà soát, phân loại, Ban Dân nguyện đã kịp thời chuyển các kiến nghị trên đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

Ông Dương Thanh Bình khẳng định: Công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư được duy trì, thực hiện theo đúng quy định pháp luật; số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo có căn cứ pháp luật được xem xét, nghiên cứu, chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết ngày càng tăng.

Hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được tăng cường hơn; việc theo dõi, đôn đốc, rà soát kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo đã có chuyển biến tích cực và đã góp phần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là đối với vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài.

Báo cáo của Ban Dân nguyện kiến nghị các Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố cần tiếp tục đổi mới, linh hoạt hơn về phương thức tiếp xúc, thu thập ý kiến, kiến nghị cử tri và nhân dân tại địa phương; nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc phức tạp, nổi cộm, bức xúc, kéo dài ở địa phương.

Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo Bộ Công Thương và các cơ quan có liên quan theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời thực hiện giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu trong nước, ổn định giá cả, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý. Chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Tài nguyên và Môi trường nâng cao năng lực dự báo và có các giải pháp hữu hiệu phòng, chống thiên tai để bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân trước mùa mưa bão sắp tới.

Chỉ đạo Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan thực hiện hướng dẫn đồng bộ, thống nhất đối với quy định về sổ hộ khẩu, số tạm trú tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi tham gia giao dịch dân sự, hành chính; tăng cường thanh tra, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra, hướng dẫn chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh thực hiện, duy trì điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy…

Đồng thời, chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ban, bộ, ngành để cung cấp thông tin kịp thời, định hướng, chỉ đạo báo chí thông tin, tuyên truyền về tình hình đất nước, nhất là các vấn đề bức xúc, nổi cộm trong nước, tạo sự đồng thuận trong xã hội, góp phần cải chính tin giả trên mạng xã hội; nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trên báo chí để khắc phục một số tình trạng "báo hóa" trang tin, thông tin thiếu kiểm chứng gây hoang mang trong dư luận; tăng cường công tác quản lý, công cụ tìm kiếm, rà soát nhằm phát hiện, ngăn chặn các thông tin xấu độc kịp thời.

Nguyễn Hoàng