In bài viết

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét dự án Luật Giá (sửa đổi)

(Chinhphu.vn) – Sáng 15/3, tại phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giá (sửa đổi).

15/03/2023 11:47
Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét dự án Luật Giá (sửa đổi). - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường báo cáo một số vấn đề lớn xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình dự thảo Luật Giá (sửa đổi) - Ảnh: VGP/ĐH

Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) được xây dựng với bố cục gồm 8 chương với 75 điều, quy định về quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân, người tiêu dùng trong lĩnh vực giá; hoạt động quản lý, điều tiết giá của Nhà nước; tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường; thẩm định giá; thanh tra chuyên ngành về giá, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá.

Báo cáo một số vấn đề lớn xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình dự thảo Luật Giá (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật Giá (sửa đổi).

Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) đã phối hợp với cơ quan soạn thảo để thống nhất định hướng giải trình, tiếp thu ý kiến các ĐBQH; tổ chức hội thảo lấy ý kiến chuyên gia, doanh nghiệp, hiệp hội, các đối tượng liên quan về dự thảo Luật; chủ trì phối hợp với cơ quan soạn thảo, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan liên quan rà soát và chỉnh lý, hoàn thiện từng điều khoản của dự thảo Luật.

Đề cập nội dung cụ thê về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong dự thảo luật, ông Nguyễn Phú Cường cho biết nhiều ý kiến ĐBQH cho rằng cần đẩy mạnh hơn nữa việc phân quyền cho các cơ quan, các cấp; bảo đảm tính đồng bộ với chức năng, nhiệm vụ quản lý ngành, lĩnh vực, tính thống nhất trong quản lý nhà nước, hạn chế giao Chính phủ hướng dẫn.

Báo cáo về nội dung trên, Thường trực Ủy ban TCNS nhận thấy theo Luật Giá hiện hành, việc phân công nhiệm vụ giữa các bộ, ngành; giữa cơ quan Trung ương với địa phương; giữa các sở, ngành ở địa phương còn một số nội dung chưa thống nhất, nhiều đầu mối, quy trình thực hiện chưa gắn với trách nhiệm, khi phát sinh vướng mắc thường khó xác định trách nhiệm.

Vì vậy, Ủy ban TCNS và cơ quan soạn thảo đã tiếp thu, làm rõ trách nhiệm, quyền hạn của từng cơ quan, tổ chức trong dự thảo Luật.

Cụ thể tại Chương III: "Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước về giá" đã quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND cấp tỉnh; bỏ quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp tỉnh. Các nội dung sửa đổi thể hiện từ Điều 12 đến Điều 16 trong dự thảo Luật mới.

Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét dự án Luật Giá (sửa đổi). - Ảnh 2.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét dự án Luật Giá (sửa đổi) tại phiên họp thứ 21 - Ảnh: VGP/ĐH

Về định giá, nhiều ý kiến đề nghị quy định cụ thể các tiêu chí, trường hợp hàng hóa, dịch vụ Nhà nước định giá, phương pháp định giá và Danh mục hàng hóa, dịch vụ Nhà nước định giá cần rà soát kỹ lưỡng, phù hợp với các luật chuyên ngành; đồng thời có ý kiến chi tiết về một số hàng hóa, dịch vụ cụ thể.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Thường trực Ủy ban TCNS đã rà soát, chỉnh lý, bổ sung một số quy định về nguyên tắc, phương pháp, tiêu chí, thẩm quyền, cơ sở pháp lý của văn bản định giá và Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá nhằm bảo đảm khả thi, minh bạch, bảo vệ những người làm công tác định giá.

Về Quỹ Bình ổn giá, Điều 17 Luật Giá hiện hành quy định trong trường hợp cần thiết, lập Quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng cần bình ổn giá thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá nhằm hỗ trợ bình ổn giá; sử dụng quỹ bình ổn giá khi giá của hàng hóa, dịch vụ đó biến động bất thường hoặc tác động xấu đến nền kinh tế và đời sống. Chính phủ quy định chi tiết về mặt hàng được lập quỹ bình ổn giá, việc lập, quản lý và sử dụng quỹ bình ổn giá. Hiện nay, trên thực tế chỉ có Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đang hoạt động nhằm mục tiêu bình ổn giá.

Thường trực Ủy ban TCNS cho rằng cần giữ quy định về Quỹ Bình ổn giá trong Luật Giá nhằm tạo cơ sở pháp lý cũng như bảo đảm cho công tác tổ chức thực hiện đối với các trường hợp cần thiết phát sinh. Ngoài ra, việc giữ quy định về thành lập quỹ như dự thảo Luật nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý đối với Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đang hoạt động.

Đối với Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, ông Nguyễn Phú Cường cho biết nhiều ý kiến tán thành về sự cần thiết duy trì Quỹ Bình ổn xăng dầu. Lý do là vì Quỹ này là một trong những công cụ điều tiết giá xăng dầu trong nước, là biện pháp kinh tế, không phải là can thiệp hành chính. 

Thực tế thời gian qua cho thấy, khi giá xăng dầu thế giới biến động thì Quỹ Bình ổn đã phát huy vai trò "điều hòa", góp phần giảm tần suất và mức điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu, giảm biên độ biến động giá, từ đó giảm thiểu các tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định làm rõ tính chất hoạt động có thời hạn, Chính phủ chịu trách nhiệm công khai, hiệu quả, kịp thời trong quản lý, sử dụng Quỹ.

Một số ý kiến đề nghị không tiếp tục duy trì Quỹ Bình ổn giá xăng dầu vì đây là quỹ tài chính do người tiêu dùng chi trả, song lại do doanh nghiệp quản lý và quyết định sử dụng nằm tại cơ quan điều hành, chưa có quy định về thời hạn hoạt động của Quỹ. Hiện nay, giá xăng dầu trong nước đã liên thông với giá thế giới, việc lập quỹ là sự can thiệp của Nhà nước vào một loại mặt hàng có tính nhạy cảm rất cao với thị trường, khiến giá xăng dầu trong nước và thế giới khó đồng nhất…

Thảo luận tại phiên họp, ý kiến các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng dự thảo Luật Giá (sửa đổi) đã được tiếp thu các ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, chỉnh lý công phu, giải trình đầy đủ các ý kiến đại biểu nêu. Đồng thời, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến: Mục tiêu, định hướng, chính sách lớn đặt ra khi sửa đổi Luật; điều kiện về hồ sơ dự thảo Luật để trình Quốc hội thảo luận, xem xét và thông qua; nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý Nhà nước về giá; quỹ bình ổn, biện pháp bình ổn giá; vai trò của tổ chức, cá nhân trong việc định giá;…

Phát biểu kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp thu các ý kiến phát biểu tại phiên họp để chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo Luật. Đồng thời đề nghị Ủy ban TCNS phối hợp với cơ quan liên quan tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật để xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, lấy ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội và một số cơ quan hữu quan; chủ trì cùng cơ quan soạn thảo tiếp thu các ý kiến tham gia để đảm bảo chất lượng dự án Luật trình Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng lưu ý tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, ngoài xin ý kiến toàn diện về dự thảo Luật cần nêu rõ các nội dung lớn, nội dung quan trọng, các nội dung còn có ý kiến khác nhau cần xin ý kiến, quan điểm của cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo về các nội dung này…

Nguyễn Hoàng