In bài viết

Vaccine vẫn là ‘vũ khí’ chiến lược quan trọng trong phòng, chống dịch

(Chinhphu.vn) - Nhấn mạnh vai trò của vaccine trong phòng, chống dịch COVID-19, các chuyên gia y tế đều khẳng định, vaccine phòng COVID-19 hiện nay vẫn đặc biệt hiệu quả trong giảm mức độ nặng, ca tử vong và nhập viện. Tiêm vaccine vẫn là “lá chắn” quan trọng nhất trong phòng, chống dịch, nhờ đó dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên cả nước.

19/04/2022 10:57
Vaccine vẫn là ‘vũ khí’ chiến lược quan trọng trong phòng chống dịch - Ảnh 1.

Tiêm vaccine vẫn là “lá chắn” quan trọng nhất trong phòng, chống dịch, nhờ đó dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát - Ảnh: VGP/HM

Điều kiện tiên quyết để từng bước áp dụng các biện pháp mở cửa

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, kể từ mũi vaccine phòng COVID-19 đầu tiên được tiêm cho cán bộ tuyến đầu chống dịch (8/3/2021), đến nay sau hơn 1 năm triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19, nước ta đã "thu" về những con số vượt mức đề ra, đạt tỉ lệ bao phủ vaccine cao so với các nước trên thế giới và trong khu vực.

Tính đến nay, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 209.483.478 liều, trong đó, tỉ lệ bao phủ mũi 1 và mũi 2 của người trên 18 tuổi là 100%, mũi 3 là trên 52%; tỉ lệ bao phủ mũi 1 và mũi 2 của trẻ từ 12 đến 17 tuổi lần lượt là 100% và 95,8%.

Từ ngày 14/4 vừa qua, nước ta tiếp tục đánh dấu mốc quan trọng trong chiến dịch tiêm vaccine, đó là chính thức triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Tính đến ngày 18/4, số liều vaccine đã sử dụng tiêm cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi là 19.679 liều (mũi 1). Đã có 4 tỉnh, thành phố triển khai tiêm chủng cho nhóm đối tượng này là Hà Nội, Cao Bằng, Quảng Ninh và TPHCM.

Tính chung kể từ khi dịch bùng phát, Việt Nam xếp thứ 12/225 quốc gia và vùng lãnh thổ về số ca mắc, thứ 110/225 quốc gia và vùng lãnh thổ về tỉ lệ mắc trên 1 triệu dân và xếp 130/227 quốc gia và vùng lãnh thổ về tỉ lệ ca tử vong trên 1 triệu dân (số ca tử vong đến thời điểm này là 42.944, chiếm tỉ lệ 0,4% trên số ca mắc, trong khi mức trung bình chung của thế giới là 1,2%). So với tháng trước, số ca tử vong giảm 28,6%. Tỉ lệ chết/mắc của 30 ngày qua giảm mạnh từ 0,13% tháng trước xuống còn 0,03% trong tháng này. Đây là số tử vong giảm thấp nhất tính từ tháng 8/2021.

"Vaccine phòng COVID-19 chính là giải pháp cần thiết và quan trọng để phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế-xã hội. Các nghiên cứu, cũng như thực tế tiêm chủng đã chứng minh hiệu quả của vaccine trong việc làm giảm mức độ nặng của bệnh, giảm nguy cơ nhập viện và tử vong. Đây cũng chính là điều kiện quan trọng để nước ta từng bước áp dụng các biện pháp mở cửa, dần hồi phục lại nền kinh tế-xã hội", Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.

PGS.TS. Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng tại Việt Nam cũng nhấn mạnh vai trò của vaccine phòng COVID-19 đã thể hiện rõ trong thực tế 2 đợt dịch bùng phát ở TPHCM và Hà Nội.

Thời điểm dịch bùng phát ở TPHCM, số ca nhiễm và ca tử vong cao, nhưng đợt dịch sau bùng phát ở Hà Nội, mặc dù số ca nhiễm cũng cao, song số ca chuyển nặng, số ca tử vong không cao. Đây chính là hiệu quả của chiến dịch tiêm vaccine, bên cạnh những kinh nghiệm, bài học được rút ra từ các đợt dịch trước, cũng như năng lực y tế của chúng ta đã được nâng cao.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng khẳng định, vaccine phòng COVID-19 hiện nay vẫn đặc biệt hiệu quả trong giảm mức độ nặng, ca tử vong và nhập viện. Vì vậy, việc tiêm chủng vẫn phải được coi là ưu tiên hàng đầu.

Tại phiên họp thứ 14 của BCĐ quốc gia phòng chống dịch COVID-19 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì (ngày 9/4), các đại biểu tham dự phiên họp đều nhận định, dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên cả nước. Các nguyên nhân chủ yếu được chỉ ra là do tỉ lệ tiêm vaccine tại Việt Nam cao, trong đó chú trọng tiêm chủng cho nhóm dễ bị tổn thương, trong khi nhiều nước có thực hiện tiêm, nhưng chưa chú trọng đến nhóm này (người cao tuổi, người có bệnh nền, người khuyết tật, phụ nữ mang thai, người không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi, đồng bào dân tộc thiểu số, nhóm lao động di cư ở các thành thị…); năng lực y tế của Việt Nam đang dần được nâng lên và đáp ứng yêu cầu tốt hơn; việc chuyển trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh phù hợp, kịp thời, đúng thời điểm, đi trước nhiều nước trong khu vực. 

Đặc biệt, tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục nhấn mạnh, vaccine vẫn là vũ khí chiến lược, là "lá chắn" quan trọng nhất trong phòng, chống dịch, phải đẩy mạnh hơn nữa chiến dịch tiêm chủng vaccine, quyết tâm cao nhất để hoàn thành tiêm chủng cho trẻ em từ 5-11 tuổi trong quý II năm nay; xây dựng kịch bản, phương án với tình huống dịch bệnh có diễn biến mới với biến chủng mới lây lan nhanh hơn, nguy hiểm hơn, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục nghiên cứu việc tiêm mũi thứ 4 cho các đối tượng chỉ định, nhất là các đối tượng rủi ro cao, vì hiệu quả miễn dịch của vaccine suy giảm theo thời gian. Bộ Y tế phải bảo đảm đủ vaccine, các địa phương tổ chức tiêm chủng an toàn, khoa học, hiệu quả; vận động, tuyên truyền người dân và thực hiện các biện pháp khác để thực hiện mục tiêu đề ra.

Vaccine vẫn là ‘vũ khí’ chiến lược quan trọng trong phòng chống dịch - Ảnh 2.

Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Y tế, các địa phương tăng tốc tiêm vaccine cho học sinh; xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực, hậu cần phòng, chống dịch tại các cơ sở giáo dục, bảo đảm mở cửa trường học an toàn - Ảnh: VGP/HM

Không chủ quan với diễn biến dịch, tăng tốc tiêm vaccine cho trẻ

Hiện tại, Việt Nam đang là 1 trong 9 quốc gia có số liều tiêm vaccine COVID-19 cao nhất thế giới (sau Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Brazil, Indonesia, Nhật Bản, Bangladesh và Pakistan), là 1 trong 5 quốc gia có tỉ lệ bao phủ vaccine mũi 3 cao nhất trong khu vực Đông Nam Á (sau Singapore, Campuchia, Brunei và Malaysia).

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, việc triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi ở nước ta chính là thông điệp về tầm quan trọng của việc tất cả mọi người đều được tiêm chủng, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19, vai trò của các cấp, các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước đối với hoạt động tiêm chủng phòng bệnh, trách nhiệm của người dân trong việc chủ động, tự giác thực hiện tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch.

"Với tỉ lệ bao phủ vaccine cao cho các nhóm đối tượng, lứa tuổi có nguy cơ cao, Việt Nam đủ điều kiện để tiếp tục mở rộng đối tượng tiêm chủng và triển khai tiêm chủng cho nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế trong năm 2022", Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Y tế khẩn trương thực hiện việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trong quý II/2022. Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Y tế, các địa phương tăng tốc tiêm vaccine cho học sinh, xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực, hậu cần phòng, chống dịch tại các cơ sở giáo dục, bảo đảm mở cửa trường học an toàn, thông suốt, hiệu quả; thiết lập kênh tư vấn, hỗ trợ giải quyết các vấn đề tâm lý cho trẻ em, nhất là những em gặp sang chấn tâm lý.

Thủ tướng cũng nêu rõ, với chiến lược vaccine được triển khai thành công, việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh theo Nghị quyết 128, nếu dịch bệnh không có những diễn biến mới, không xuất hiện những biến chủng mới thì chúng ta có thể tạm yên tâm với những kết quả đã đạt được, những việc đã làm, có thể đủ sức đối phó những chủng virus cũ.

Tuy nhiên, nếu có biến chủng mới xuất hiện mà các loại vaccine hiện nay chưa có hiệu lực bảo vệ thì chúng ta sẽ gặp khó khăn, bị động, bất ngờ. Thực tế, tình hình thế giới vừa qua có nhiều diễn biến mới, khó lường như các diễn biến tại Ukraine, tình hình giá nguyên vật liệu, lạm phát ở nhiều nước… tác động tới Việt Nam.

Do đó, Thủ tướng yêu cầu hơn lúc nào hết, chúng ta tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác với những diễn biến mới của dịch bệnh, vừa củng cố, thúc đẩy những việc đã làm được, vừa phải tiếp tục bám sát tình hình, dự báo, chuẩn bị các kịch bản, biện pháp để nếu có tình huống xảy ra thì không quá bị động, bất ngờ.

Các BCĐ phòng chống dịch các cấp không chủ quan, phải bám sát tình hình, chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, tích cực hơn nữa, hiệu quả hơn nữa, đặc biệt, phải chỉ đạo công việc cụ thể, rõ ràng, dễ nghe, hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện tới tận cấp cơ sở.

Hiền Minh