Ảnh: VGP/Đỗ Cường |
Đánh giá vai trò của giáo viên trong giáo dục, GS Nguyễn Lân Dũng cũng đã nói rằng thế hệ ông đã vô cùng may mắn vì được học những người thầy rất trí tuệ, rất tuyệt vời. Chính các thầy như GS Đặng Văn Ngữ đã truyền cho GS Nguyễn Lân Dũng và những người cùng thế hệ ông lòng hiếu học, tinh thần nghiên cứu khoa học và đặc biệt là ý chí tự học, không ngừng học.
Bởi theo GS Nguyễn Lân Dũng, không có phần thưởng nào có thể khơi gợi tinh thần ham học thực sự, không có chế tài nào có thể bắt ép người ta ham học yêu học. Mà chính những người thầy, bằng chính tấm gương sáng về lòng ham học, tinh thần tự học, đam mê nghiên cứu khoa học... là nguồn cảm hứng tuyệt vời và sâu sắc nhất, bền bỉ nhất trong học trò. Một người thầy giỏi sẽ biết cách chọn lọc những kiến thức nào thực sự cần thiết phù hợp với trình độ, năng lực tiếp thu của học trò, truyền cho các em lòng đam mê nghiên cứu khoa học và tinh thần học tập suốt đời.
Và trong thời đại khoa học phát triển hiện nay, kiến thức của nhân loại ngày càng nhiều, nếu thiếu vai trò định hướng của người thầy, học trò sẽ hoang mang lạc lối trước biển thông tin mênh mông.
Đội ngũ giáo viên cũng cần “đổi mới”
Đánh giá về tầm quan trọng của việc đổi mới trong chính đội ngũ giáo viên, PGS Trần Kiều, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, cho rằng: “Hiện nay đội ngũ giáo viên của chúng ta khoảng hơn 1 triệu người. Nếu đội ngũ này không chuyển biến từ quyết tâm, tinh thần trách nhiệm cho đến nhận thức, hiểu biết cần thiết về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục thì khó lòng đạt được các mục tiêu mong đợi”.
Và Đề án đổi mới giáo dục, đòi hỏi giáo viên phải nắm chắc kiến thức, có phương pháp sư phạm khoa học, sáng tạo và phải luôn luôn học hỏi trau dồi kiến thức, kinh nghiệm cũng như phương pháp dạy.
Có như vậy, giáo viên mới có giải đáp mọi thắc mắc của học sinh, cùng các em tìm ra những phương án tối ưu nhất, định hướng cho các em lựa chọn sử dụng tài liệu, học liệu phù hợp và làm chủ giờ học diễn ra rất linh hoạt sinh động và chứa đựng nhiều yếu tố bất ngờ.
Tuy nhiên, TS Hoàng Thị Tuyết, Giảng viên Khoa Giáo dục tiểu học trường ĐH Sư phạm TPHCM, cho rằng để đổi mới phương pháp sư phạm, đổi mới cách tư duy giáo dục của những người thầy, đặc biệt là những người đã cao tuổi, có thâm niên công tác thì vô cùng khó.
Theo kinh nghiệm của TS Hoàng Thị Tuyết, các giáo viên vừa ra trường hoặc ra trường chưa lâu thì tiếp thu rất nhanh phương pháp sư phạm mới. Nhưng với những giáo viên lâu năm thì việc tiếp thu này rất chậm nếu không nói rằng hầu như không tiến triển.
“Họ thậm chí còn không hiểu được tại sao phải đổi mới. Mọi phương thức đã ăn sâu vào tư duy, trở thành lối mòn, nếp nghĩ. Do không nhận ra được tầm quan trọng của đổi mới nên họ không thể đổi mới”, TS Hoàng Thị Tuyết chia sẻ.
Giờ thực hành môn hóa của các em trường nội trú Mường Khương, Lào Cai. Ảnh: VGP/Trần Việt |
Đồng quan điểm trên, GS Nguyễn Minh Thuyết, nhận xét: “Chương trình SGK năm 2002 không phải không đổi mới nhưng cứ đổi mới là “tắc tị”. Chương trình thì cấm dạy văn mẫu, nhưng thầy toàn "tương" văn mẫu cho học trò thôi thì làm sao cải cách được? Bởi vì thầy cứ thích học sinh phải viết được 7-8 trang văn, nhưng thực ra học sinh chỉ cần viết nửa trang nhưng nửa trang đó là của chính các em thì còn tốt hơn, có giá trị thực hơn 8 trang kia chép của người khác”.
Theo lý giải, đó là tính bảo thủ của người thầy như GS Nguyễn Minh Thuyết hài hước thừa nhận: “Một trong những đặc tính của giáo viên là giáo viên nào cũng bảo thủ. Nhất là những giáo viên càng lớn tuổi, càng có bằng cấp cao thì càng tin rằng mình có trí tuệ và mình đúng. Tôi cũng từng là giảng viên nên tôi cũng bảo thủ".
Để hạn chế bớt “tính bảo thủ” này, theo GS Nguyễn Minh Thuyết, trước hết, phải tập huấn giáo viên hết sức cẩn thận, không thể làm qua loa. Thứ 2 phải có sự kiểm soát của xã hội, đây là yếu tố không thể thiếu. Vì phải có sự đánh giá của xã hội với giáo viên, nhà trường song song với việc đánh giá của nhà trường về giáo viên thì giáo dục Việt Nam mới bớt bảo thủ.
Cần đãi ngộ tương xứng
Theo đánh giá của GS Nguyễn Minh Thuyết, trong đội ngũ giáo viên có rất nhiều người tiềm năng, tâm huyết, “nhưng chúng ta cần đổi mới chính sách nhân lực làm sao để những người tâm huyết làm được nhiều việc và ngày càng tâm huyết hơn”.
Do đó, bên cạnh việc sàng lọc lại đội ngũ, Nhà nước cần tăng lương cho giáo viên, có chính sách đãi ngộ tốt hơn cho những người làm được nhiều việc.
“Tôi thấy nhiều cơ quan chỉ cần 10 người làm thay việc cho trăm người. Nếu trả lương gấp 100 lần họ sẽ làm thay việc cho hết số người còn lại. Giáo viên cũng vậy, ai làm việc tốt hơn, hiệu quả hơn phải được trả lương cao hơn”, GS Nguyễn Minh Thuyết trăn trở.
Trong Đề án đổi mới giáo dục, ban soạn thảo cũng đã đề xuất chế độ đặc thù cho nhà giáo, đề nghị lương nhà giáo được ưu tiên theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII), bảo đảm tương quan chung với các ngành, lĩnh vực khác. Đồng thời có chính sách hỗ trợ giảng viên trẻ có nhà ở và điều kiện nghiên cứu khoa học…
Về phần mình, để chuẩn bị cho việc triển khai Đề án đổi mới giáo dục, nhiều năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện tập huấn nghiệp vụ, phương pháp sư phạm mới cho đội ngũ giáo viên trong cả nước theo từng bậc học, cứ tuần tự làm mỗi năm một lớp với các chương trình Công nghệ giáo dục tiếng Việt, phương pháp Bàn tay nặn bột, Dạy học qua di sản…
“Có thể nói hiện tại chúng tôi đã có một đội ngũ giáo viên nòng cốt nhất định, có thể thực hiện ngay những đổi mới đề ra trong Đề án đổi mới giáo dục”, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận chia sẻ.
Nguyệt Hà