1. Về văn bản đính chính văn bản quy phạm pháp luật (QPPL)
Theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định số 161/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 thì văn bản QPPL sau khi được ban hành, đăng công báo, nếu phát hiện có sai sót thì phải được đính chính. Nếu sai sót thuộc trách nhiệm của cơ quan ban hành văn bản thì người đứng đầu hoặc người được ủy quyền của người đứng đầu cơ quan đó ký văn bản đính chính. Trong trường hợp sai sót thuộc trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thì Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ ký văn bản đính chính. Nếu sai sót thuộc trách nhiệm của cơ quan Công báo thì văn bản đính chính do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ký văn bản đính chính.
Theo hướng dẫn tại điểm 1.3 khoản 1 Phần II Thông tư số 04/2005/TT-VPCP ngày 21/3/2005 về hướng dẫn thực hiện Nghị định số 104/2004/NĐ-CP ngày 23/3/2004 của Chính phủ về Công báo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì Quyết định đính chính các văn bản đã ban hành có sai sót về lỗi chính tả, hình thức và thủ tục pháp lý.
Căn cứ các quy định trên thì Quyết định đính chính các văn bản QPPL là văn bản cá biệt, không phải là văn bản quy phạm pháp luật.
Quyết định đính chính chỉ áp dụng trong trường hợp văn bản QPPL có sai sót về lỗi chính tả, hình thức và thủ tục pháp lý. Quyết định đính chính có hiệu lực song song với văn bản QPPL được đính chính, cho đến khi có văn bản QPPL khác thay thế, hủy bỏ văn bản đó.
Để đảm bảo tính công khai, minh bạch của pháp luật thì văn bản đính chính cũng phải đăng công báo theo quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định số 161/2005/NĐ-CP.
2. Về văn bản là Nghị quyết của Hội đồng nhân dân
Tại khoản 1 Điều 8 Luật ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND quy định: "Thường trực HĐND chỉ đạo việc chuẩn bị hồ sơ dự thảo nghị quyết để gửi đến đại biểu HĐND. Hồ sơ dự thảo Nghị quyết bao gồm: Tờ trình và dự thảo nghị quyết; Báo cáo thẩm tra; ý kiến của UBND đối với dự thảo Nghị quyết do cơ quan, tổ chức khác trình".
Theo đó, Tờ trình của UBND cấp tỉnh chỉ là một trong những tài liệu hoặc hồ sơ để trình HĐND cùng cấp xem xét, phê chuẩn. Nội dung của Nghị quyết khi ban hành phải rõ ràng, chính xác, dễ hiểu.
Để biết thêm chi tiết, bạn An Trang có thể liên hệ trực tiếp với Bộ Tư Pháp, cơ quan được giao chức năng quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này.
Ban Bạn đọc-Đối ngoại
|