In bài viết

Vấn đề lớn sau chuyện “xếp lốt xe ở Mỹ Đình”

(Chinhphu.vn) - Những ý kiến quanh thông tin “xếp lốt xe ở bến Mỹ Đình mất 600 triệu đồng” khiến nhiều người nhớ đến một nhận xét của cựu Thủ tướng Anh Tony Blair khi sang thăm Việt Nam cách đây chưa lâu: “Cải cách mà không có phản đối là cải cách tồi”.

21/10/2015 15:40

Ảnh minh họa

Dư luận đang rất quan tâm đến câu chuyện Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết ông nghe nói “xin một lốt xe vào Bến xe Mỹ Đình mất đến 500-600 triệu đồng”. Vụ việc càng thêm nóng khi Sở GTVT Hà Nội gửi văn bản cho Bộ trưởng Đinh La Thăng đề nghị cung cấp thông tin cụ thể hơn.

Đứng ở góc độ trách nhiệm công vụ thì khi Bộ trưởng đưa ra vấn đề nói trên, các cơ quan cấp dưới phải có trách nhiệm xác minh thông tin, xử lý nghiêm nếu có sai phạm.

Nhưng đấy chưa phải là vấn đề đáng chú ý nhất trong câu chuyện này. Thông tin về lốt xe ở bến Mỹ Đình chỉ là một ví dụ được Bộ trưởng Đinh La Thăng đưa ra để làm rõ hơn yêu cầu bãi bỏ thủ tục các doanh nghiệp vận tải phải xin các sở GTVT chấp thuận xe vào tuyến khi đã có quy hoạch tuyến. Thay vào đó, doanh nghiệp chỉ cần thông báo tham gia tuyến, các sở GTVT chỉ hậu kiểm và trong trường hợp có nhiều doanh nghiệp muốn tham gia, sẽ tiến hành đấu thầu công khai.

Kết luận được Bộ trưởng Đinh La Thăng đưa ra hồi tháng 7 khi gặp mặt doanh nghiệp, nhưng theo Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, tới nay Vụ Vận tải vẫn chỉ dừng ở bước... tìm giải pháp để thực hiện.

Thực tế thì Sở GTVT Hà Nội không chỉ phản ứng với thông tin về lốt xe ở Mỹ Đình. Và cũng không chỉ Sở GTVT Hà Nội không đồng tình với yêu cầu của Bộ trưởng Đinh La Thăng. Đúng như phát biểu của ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải, việc chậm trễ triển khai chỉ đạo của Bộ trưởng là do “phía các sở GTVT còn nhiều băn khoăn”. Nhiều sở GTVT, trong đó có Sở GTVT Hà Nội đều cho rằng cần thiết phải có sự chấp thuận tuyến của hai sở GTVT đầu đi và đến, với các lý do như sợ phá vỡ quy hoạch, “buông” quản lý vận tải hành khách liên tỉnh…

Thế nhưng, đúng như phản bác của Bộ trưởng Đinh La Thăng ngay tại cuộc họp, còn thủ tục chấp thuận này thì doanh nghiệp còn nguy cơ mất tiền tiêu cực. Hơn nữa, về mặt pháp lý, Bộ là người quyết định thủ tục thì Bộ cũng có quyền bỏ và các địa phương phải chấp hành.

Không phải ngẫu nhiên mà thời gian qua, Bộ GTVT liên tiếp đứng đầu nhiều bảng xếp hạng về cải cách hành chính, trong nỗ lực cải cách chung hết sức quyết liệt của Chính phủ thời gian qua. Cần nhắc lại rằng, thủ tục xin chấp thuận xe vào tuyến chính là một loại điều kiện kinh doanh- một “giấy phép con” - mà theo Luật Đầu tư mới thì từ 1/7, nếu do cấp Bộ ban hành sẽ đương nhiên hết hiệu lực.

Còn theo yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường đầu tư, cần cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh, chuyển mạnh sang hậu kiểm. Nói cách khác, việc bãi bỏ thủ tục “xin-cho” nói trên, chuyển sang thủ tục thông báo-hậu kiểm là hoàn toàn phù hợp với yêu cầu của Luật Đầu tư và của Nghị quyết 19.

Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, những quy định như phải xin chấp thuận tuyến chính là nguyên nhân quan trọng khiến các doanh nghiệp vận tải có thể chây ì giảm giá cước, ngay khi giá xăng dầu đã giảm mạnh. Những rào cản lớn đối với các doanh nghiệp mới muốn gia nhập thị trường khiến thị trường vận tải kém cạnh tranh và các doanh nghiệp không có động lực để buộc phải giảm giá. Người tiêu dùng muốn dùng “quyền lực của các thượng đế” để tạo sức ép cũng khó, bởi vì họ không có nhiều lựa chọn.

Đặt trong bối cảnh Chính phủ đang quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, việc làm rõ thông tin về giá lốt xe ở bến Mỹ Đình là cần thiết. Nhưng điều quan trọng hơn là thay đổi và thiết lập một cơ chế để những hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu không có cơ hội ở bất cứ nơi nào. Làm rõ trắng đen, xử lý nghiêm túc một vụ việc là chưa đủ, bởi với cơ chế “xin-cho” như hiện tại, không ai có thể bảo đảm rằng sẽ không có tiêu cực, nhũng nhiễu ở nhiều nơi khác.

Nếu quả thật việc “mua bán lốt xe như một giao dịch dân sự không bị cấm” chỉ là chuyện nội bộ giữa các doanh nghiệp vận tải, theo phát biểu của lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, thì dư luận vẫn có quyền đặt câu hỏi: Vậy người bán có được lốt xe ấy thông qua một quy trình đấu thầu công khai, minh bạch hay nhờ “xin-cho”? Nếu nhờ “xin-cho”, thì rõ ràng là bất công với những doanh nghiệp khác.

Tất nhiên, việc loại bỏ một thủ tục hành chính là chưa đủ để tạo nên một môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng. Ngay cả việc quy hoạch luồng tuyến của Bộ GTVT cũng có thể cần phải xem lại, khi Luật Quy hoạch đang được xây dựng theo hướng bãi bỏ các quy hoạch ngành nghề, sản phẩm cụ thể, như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng như cựu Thủ tướng Anh Tony Blair phát biểu khi thăm Việt Nam cách đây chưa lâu: “cải cách không có phản đối là cải cách tồi”. Phản ứng của các sở GTVT cho thấy yêu cầu của Bộ GTVT dường như đã “điểm trúng huyệt” cần cải cách.

Phía sau chuyện “lốt xe” là những trở ngại trên đường cải cách, không chỉ của Bộ GTVT. Do đó, cần ủng hộ động thái cải cách của Bộ trưởng Đinh La Thăng, ngay cả khi không có tiêu cực trong việc cấp lốt xe ở bến Mỹ Đình.

Hà Chính