Cần tuyên truyền để NLĐ hiểu được lợi ích lâu dài của BHXH |
Cần hiểu lợi ích lâu dài của BHXH
Từ điểm cầu TPHCM, đại biểu Nguyễn Thị Lệ đặt câu hỏi về giải pháp để người lao động (NLĐ) không bán sổ BHXH, chính sách thu hút NLĐ tham gia BHXH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, việc bán sổ BHXH thời gian qua thực chất là NLĐ đang tham gia BHXH, sau đó rút BHXH để hưởng chính sách BHXH một lần và ngại đi làm thủ tục, hoặc vì một số lý do nào đó đã nhượng lại sổ BHXH cho người khác đi lĩnh. Vì vậy, cần giảm mức hưởng BHXH một lần. Bởi, từ đầu năm 2021 đến nay, có 870.000 người đã rút hưởng BHXH một lần và so với năm 2020 con số này tăng rất nhiều.
Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này, nhất là do đời sống khó khăn vì dịch bệnh ảnh hưởng… Để khắc phục tình trạng này, có 3 giải pháp căn cơ. Theo đó, phải chăm lo cho NLĐ, vì đa số người rút sổ BHXH và bán sổ BHXH là công nhân lao động, những người có hoàn cảnh khó khăn, éo le… Để giải quyết tận gốc tình trạng này thì phải nâng cao đời sống NLĐ, khi đời sống tốt, cuộc sống được bảo đảm thì NLĐ sẽ không bán sổ BHXH. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức để NLĐ hiểu về sự cần thiết, cũng như lợi ích lâu dài của BHXH, đó chính là khoản lương hưu khi về già, giúp NLĐ có nguồn thu nhập ổn định.
“Cùng với đó, giải pháp căn cơ là sửa Luật BHXH. Hiện Bộ đã hoàn thành hồ sơ để đến năm 2022 sẽ trình Quốc hội cho ý kiến. Ngoài ra, thay vì hưởng BHXH một lần, thì tăng cường các lợi ích khác đối với NLĐ…”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.
Đề xuất tăng lương hưu 7,4% từ năm 2022
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) về kết dư của Quỹ BHTN sử dụng để hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động, nếu dịch tiếp tục việc hỗ trợ sẽ được thực hiện như thế nào, quỹ kết dư còn lại có an toàn không... Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, tính hết năm 2020, kết dư từ Quỹ BHTN là 90.600 tỷ đồng - đây là mức tốt và an toàn cao.
Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống người dân, trong đó có người đang tham gia BHTN, Chính phủ nhận thấy, nếu để kết dư lớn trong hoàn cảnh này thì không ổn. “Do đó, sau khi đánh giá tác động và cân nhắc làm sao kết dư an toàn trong 5 năm tới, Chính phủ thấy rằng hoàn toàn có căn cứ để đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến sử dụng 38.000 tỷ đồng từ kết dư quỹ, trong đó 30.000 tỷ đồng hỗ trợ NLĐ và 8.000 tỷ hỗ trợ việc giảm đóng cho người sử dụng lao động. Như vậy, sau khi gói hỗ trợ này giải ngân xong, kết dư từ Quỹ BHTN còn khoảng 56.000 tỷ đồng, đảm bảo gấp 2 lần tổng mức chi trong năm qua, nên có thể an tâm được với mức kết dư này”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề điều chỉnh lương hưu với những người nghỉ hưu trước năm 1995, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH cho biết, khi bàn vấn đề này, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội, do khó khăn về dịch nên hoãn tăng lương, nhưng với lương hưu vẫn cho phép điều chỉnh, nhất là những người về hưu trước năm 1995 và lương hưu thấp. Bộ LĐTB&XH tổ chức đánh giá, lấy ý kiến thành viên Chính phủ và tháng 12 sẽ trình Chính phủ về vấn đề này. “Bộ LĐTB&XH đề xuất điều chỉnh lương hưu từ 1/1/2022 với mức tăng 7,4% với tổng kinh phí điều chỉnh lương hưu 12.650 tỷ đồng. NSNN bổ sung cho những người trước năm 1995 là 3.648 tỷ đồng. Với những người thấp hơn 2,5 triệu đồng/người thì bổ sung bằng mức 2,5 triệu đồng”.
Trả lời chất vấn của đại biểu về việc có thể sử dụng Quỹ BHXH để xây nhà cho công nhân, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định: “Đây là quỹ dài hạn, là lương, là cuộc sống của hàng triệu người. Không thể sử dụng quỹ này cho việc khác được, các nước họ cũng không cho phép, vì đây là quỹ ngoài ngân sách, quỹ của những người tham gia BHXH theo nguyên tắc đóng ít hưởng ít, đóng nhiều hưởng nhiều, không thể lấy quỹ cho những đối tượng khác được”.
Theo Bộ trưởng, muốn đầu tư xây nhà cho công nhân, chúng ta nên sử dụng ngân sách hoặc nguồn khác, chứ không thể dùng quỹ BHXH để làm, vì không đúng nguyên tắc, quy định. “Hiện nay, một năm chúng ta phải chi tiền lương cho người nghỉ hưu khoảng hơn 200.000 tỷ đồng. Do vậy, Quỹ BHXH phải bảo toàn và phát triển bền vững”, Bộ trưởng khẳng định.
Thu Cúc