In bài viết

Văn hóa học đường góp phần nâng cao chất lượng giáo dục

(Chinhphu.vn) - Sáng 21/11, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo Giáo dục Việt Nam năm 2021 với chủ đề “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo”.

21/11/2021 15:30

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định vai trò quan trọng của văn hóa, “lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”. Ảnh: TTXVN

Tham dự và phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Nghị quyết 29-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 8 Khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã xác định mục tiêu: Phát triển toàn diện con người Việt Nam, khơi dậy lòng tự hào, yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, sống và làm việc hiệu quả. Do đó, văn hóa học đường chính là nền tảng để rèn luyện, hoàn thiện những phẩm chất tốt cho thế hệ trẻ.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định vai trò quan trọng của văn hóa, “lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”; phục vụ đắc lực cho công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế. Tinh thần của Nghị quyết càng khẳng định thêm vai trò của nhà trường, văn hóa học đường trong việc bồi dưỡng, xây dựng thế hệ trẻ Việt Nam vừa có những năng lực, phẩm chất mới, vừa giữ được giá trị văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, thế hệ trẻ là mầm non, tương lai của đất nước, do đó, nhiệm vụ rèn luyện, hoàn thiện nhân cách cho sinh viên, học sinh đặc biệt quan trọng. Trong đó, văn hóa học đường góp phần thúc đẩy, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nguồn nhân lực đủ đức, đủ tài đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới và xu thế hội nhập quốc tế. “Đây là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã, đang và sẽ ảnh hưởng nặng nề tới mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực giáo dục và đào tạo”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, thời gian qua, ngành giáo dục đã có nhiều giải pháp nhằm xây dựng văn hóa học đường, tạo nên môi trường sư phạm lành mạnh, giáo dục ý thức kỹ năng sống cho học sinh, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng thiếu trung thực trong dạy và học, trong kiểm tra, đánh giá, hành vi thiếu chuẩn mực trong giao tiếp, ứng xử của một số ít học sinh và giáo viên, tình trạng bạo lực học đường, xâm hại trẻ em trong một số cơ sở giáo dục, làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học, gây tổn hại tới môi trường trong học đường.

Phó Chủ tịch Quốc hội mong muốn, Hội thảo sẽ kiến nghị những giải pháp thiết thực, những chính sách nhằm tạo sự chuyển biến cả trong nhận thức và hành động, hướng đến một môi trường văn hóa học đường tích cực.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết, xây dựng văn hoá học đường đã và đang trở thành một xu thế trong cải cách giáo dục ở các hệ thống giáo dục tiên tiến trên thế giới, từ thay đổi trong việc tiếp cận nâng cao chất lượng giáo dục, trong đó nền tảng của hệ thống là văn hóa học đường. Văn hóa học đường được tạo nên từ các chuẩn mực, giá trị, niềm tin được bồi đắp bền bỉ theo thời gian; xuyên suốt trong mọi tổ chức và hoạt động của nhà trường. Do đó, văn hóa học đường không chỉ đem lại bộ mặt văn hóa cho nhà trường mà còn tạo nên nền tảng tinh thần, tạo niềm tin và động lực cho cộng đồng nhà trường gắn kết, cùng nhau thực hiện các mục tiêu đổi mới.

Trên cơ sở những ý kiến xây dựng văn hóa học đường, nghiên cứu làm rõ cơ sở khoa học và thực tiễn, bà Nguyễn Thị Mai Hoa mong muốn các nhà giáo, nhà khoa học sẽ đề xuất các giải pháp và chính sách hiệu quả nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét trong việc xây dựng văn hóa học đường.

Theo đó, với 2 phiên thảo luận, Hội thảo nhận được các ý kiến, tham luận về thực trạng và định hướng xây dựng văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo; nhận diện các cơ hội và thách thức trong xây dựng văn hóa học đường; những khuyến nghị của UNESCO… Bên cạnh đó, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo chia sẻ tập trung vào ba nhóm vấn đề: Văn hóa học đường nhìn từ các mối quan hệ bên trong nhà trường; văn hóa học đường trong mối quan hệ với các yếu tố tác động bên ngoài nhà trường; văn hóa học đường trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập.

Hội thảo Giáo dục Việt Nam (VEC) được Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức hằng năm, từ năm 2017, nhằm tạo diễn đàn để các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, học giả trong và ngoài nước, các nhà giáo, nhà quản lý chia sẻ, trao đổi, thảo luận về các vấn đề trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI. Đồng thời, Hội thảo còn là cơ hội làm rõ hơn cơ sở lý luận và thực tiễn, đề xuất giải pháp cùng với cơ chế, chính sách để tổ chức thực hiện hiệu quả.

Theo TTXVN