In bài viết

Văn hóa là điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững

(Chinhphu.vn) - Là một thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế, Việt Nam nhận thức đầy đủ vai trò của văn hóa như một động lực của phát triển bền vững và thể hiện sự cam kết sâu rộng với việc hiện thực hóa Chương trình Nghị sự 2030.

30/09/2022 20:07
Văn hóa là điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Hội nghị

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã nhấn mạnh nội dung trên trong bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị thế giới về chính sách văn hóa và phát triển bền vững (MONDIACULT 2022) do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) phối hợp tổ chức vừa diễn ra từ ngày 28/9-30/9/2022, tại Mexico.

Tham dự Hội nghị có Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay, đại diện Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador, bà Beatriz Gutiérrez Müller; Bộ trưởng Văn hóa Mexico, bà Alejandra Frausto Guerrero; Thị trưởng thành phố Mexico, bà Claudia Sheinbaum Pardo.

Tham dự Hội nghị còn có hơn 2.500 đại biểu từ 161 quốc gia trên thế giới, bao gồm 150 Bộ trưởng và lãnh đạo cấp Bộ phụ trách văn hóa các quốc gia trên thế giới, 30 tổ chức quốc tế, 90 tổ chức phi chính phủ, lãnh đạo 25 thành phố trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, các cơ quan văn hóa quốc gia, viện nghiên cứu, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia văn hóa từ các quốc gia trên thế giới.

Đoàn đại biểu Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng dẫn đầu. Bộ trưởng cũng đã có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị.

Hội nghị tập trung bàn thảo về cơ hội cũng như thách thức của di sản văn hoá trong đời sống đương đại. Đặc biệt qua đại dịch COVID-19 vừa qua, văn hoá – nghệ thuật được nhắc đến như một thành tố không thể thiếu vắng trong cuộc sống. Nếu không có văn học, âm nhạc và phim ảnh sẽ không ai có thể sống sót trong sự tù túng và căng thẳng của đại dịch. 

Phát biểu tại Lễ Khai mạc, Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay nhấn mạnh Hội nghị MONDIACULT 2022 có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần khẳng định và phát huy đóng góp của văn hóa đối với các quốc gia và cộng đồng quốc tế. Văn hóa có vai trò xương sống của văn hóa trong việc xây dựng, phát triển con người, cộng đồng và xã hội, cũng như tham gia giải quyết những vấn đề cấp bách trong thời gian vừa qua như dịch bệnh, xung đột, tranh chấp, kiến tạo hòa bình, ổn định và phát triển bền vững trên quy mô toàn cầu.

Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa tiếp tục diễn ra mạnh mẽ, với những thách thức ngày càng khó khăn, phức tạp hơn, Tổng Giám đốc UNESCO kêu gọi các quốc gia trên thế giới chú trọng và nâng cao hơn nữa vai trò của văn hóa thông qua quá trình hợp tác quốc tế chặt chẽ, hiệu quả, khẳng định vai trò điều tiết của Nhà nước đối với văn hóa, nghiên cứu, xây dựng, ban hành chính sách phù hợp hỗ trợ sự phát triển của văn hóa, tạo điều kiện để người dân có thể tiếp cận đầy đủ, hưởng thụ các giá trị văn hóa, cũng như khuyến khích, phát huy các sản phẩm, dịch vụ văn hóa trong xã hội.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Việt Nam Nguyễn Văn Hùng đã có bài phát biểu với chủ đề "Văn hóa vì sự phát triển bền vững". Đây cũng là chủ đề thảo luận trọng tâm bao trùm của Hội nghị UNESCO.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định: Trong Tuyên ngôn Toàn cầu về Đa dạng Văn hóa (2001) và Công ước Bảo vệ và Phát huy Đa dạng các Biểu đạt Văn hóa (2005), UNESCO nhấn mạnh rằng "văn hóa là điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững". Vai trò và ý nghĩa quan trọng của văn hóa đối với phát triển bền vững càng được công nhận rộng rãi hơn thông qua việc xác lập khuôn khổ và triển khai các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) của Chương trình Nghị sự 2030. 

"Là một thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế, Việt Nam nhận thức đầy đủ vai trò của văn hóa như một động lực của phát triển bền vững và thể hiện sự cam kết sâu rộng với việc hiện thực hóa Chương trình Nghị sự 2030. Việt Nam tự hào vì sự dồi dào và đa dạng của di sản văn hóa cùng với một lực lượng lao động sáng tạo trẻ đầy hoài bão và tham vọng đổi mới. Để khai thác các tiềm năng quan trọng này, và đồng thời để thực sự biến mục tiêu thành hành động cụ thể, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực không ngừng trong xây dựng các Chiến lược như Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2020 (2016). Việt Nam cũng là một trong 11 quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai thí điểm Bộ Chỉ số Văn hóa|2030 nhằm rà soát hệ thống dữ liệu thống kê văn hóa, đánh giá toàn diện khuôn khổ chính sách và các chương trình phát triển văn hóa hiện có trên thực tiễn làm căn cứ cho việc triển khai Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, trong suốt tiến trình này, Việt Nam đã trải qua một số cột mốc quan trọng mà nhờ vào đó, văn hóa, từ vị trí phụ thuộc vào bao cấp của Nhà nước đã trở thành một lĩnh vực có khả năng vận hành theo cơ chế tự chủ, phát huy sự đa dạng của các biểu đạt đa dạng văn hóa và tạo ra những lợi ích về kinh tế và xã hội đáp ứng các yêu cầu phát triển bền vững của quốc gia. 

"Việt Nam đã đi một chặng đường dài trong nỗ lực phát triển văn hóa và gắn kết văn hóa với phát triển bền vững. Chính vì vậy, các vấn đề căn bản như điều kiện làm việc, quan hệ lao động và an sinh xã hội của những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa sẽ trở thành trọng tâm ưu tiên của hệ thống chính sách trong thời gian tới tại Việt Nam", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định.

Văn hóa là điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững - Ảnh 2.

Các Bộ trưởng tại Lễ khai mạc

Bài phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã nhận được sự đánh giá cao của của đoàn Chủ tịch chủ trì phiên thảo luận cũng như các đại biểu tại Hội nghị. Ngay sau phiên thảo luận, các đại biểu đã đến chúc mừng Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng và đoàn đại Việt Nam về những thành tựu của ngành Văn hoá, mong muốn được chia sẻ thành công của Việt Nam. Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang nổi lên như một điểm sáng kinh tế trong khu vực cũng như trên thế giới. Và văn hoá ngày càng được Việt Nam coi trọng, được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Bản thân ngành Văn hoá trong thời gian vừa qua cũng đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, mang tính bước ngoặt, được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận.

Trước đó, trong khuôn khổ Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã có cuộc làm việc và hội đàm song phương với Bộ trưởng Bộ Văn hóa Mexico Alejandra Frausto Guerrero, là nước chủ nhà của Hội nghị. Tại cuộc hội đàm, hai Bộ trưởng nhất trí đánh giá văn hoá, nghệ thuật là động lực thúc đẩy quan hệ song phương giữa Việt Nam và Mexico. Hai Bộ trưởng cũng thống nhất sẽ ký kết văn bản thỏa thuận cụ thể giữa hai bên trong thời gian sớm nhất, bao gồm các lĩnh vực hợp tác cụ thể, thực chất, hiệu quả mà hai bên quan tâm như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, sân khấu, ẩm thực…, đặc biệt trong bối cảnh hai nước tiến tới phát triển quan hệ song phương lên tầm Đối tác toàn diện trong thời gian sắp tới; đồng thời khẳng định vai trò của văn hoá, nghệ thuật trên quy mô toàn cầu và quốc tế. Cũng trong dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã có các cuộc gặp và làm việc song phương và đa phương với một số đoàn và các tổ chức quốc tế.

Quốc Anh-Tùng Quang