In bài viết

Văn hóa xưa & nay: Trầu Cau, mai mốt có còn?

25/01/2011 17:03

Dân Việt từ xa xưa đã có câu: “ Miếng trầu là đầu câu chuyện”.Quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa văn hóa nhân loại có điệu Mời trầu da diết, níu kéo. Bài thơ nổi tiếng “ Bên kia sông Đuống” của Thi sỹ Hoàng Cầm có câu đầy biểu cảm“ Những cô hàng xén răng đen.Cười như mùa thu tỏa nắng” là viết về những bà, những cô thôn nữ Kinh Bắc xưa có hàm răng đều tăm tắp, đen nhánh hạt Na do hàng chục năm ăn trầu cánh phượng. Bài hát Hoa Cau vườn Trầu của Nhạc sỹ Nguyễn Tiến do Nghệ sỹ Nhân dân Thu Hiền thể hiện với giai điệu, ca từ nhuần nhị, đằm thắm đã làm say lòng bao kẻ đang vương mối tương tư khó giãi bày.Trong phong tục cưới hỏi xưa không thể thiếu mâm Trầu Cau bên nậm rượu quê và trên bàn thờ tổ tiên ngày Tết bao giờ cũng có đĩa Trầu Cau bên cạnh mâm ngũ quả, con gà luộc, đĩa xôi đầy, chồng bánh chưng xanh.Trầu Cau đã gắn bó thân thiết ngàn đời với người dân Việt ở mọi làng quê xưa.Các bà, các mẹ đi chợ về, trong làn, trong thúng không thể thiếu dăm lá Trầu, vài quả Cau bánh tẻ kèm theo miếng Vỏ ăn cho thắm môi, gặp nhau ngang đường làng ngõ xóm là dừng lại mời nhau miếng Trầu, nói dăm ba câu chuyện.Cô con dâu nào biết lựa mua cho mẹ chồng những miếng Trầu ngon sẽ được khen là dâu đảm, dâu khéo, dâu hiền.Trong nhiều lễ hội của Tháng Giêng là tháng ăn chơi mở khắp chốn quê, nhiều nơi còn tổ chức Hội cho trai gái thi nhau têm Trầu xem ai têm đẹp, têm khéo. Còn nhớ, những năm đầu sau giải phóng, những chuyến tầu Thống Nhất khi qua vùng Quảng Ngãi, một vùng trồng Cau nhiều và Cau ngon nổi tiếng, đã nêm chật người như tầu chợ, lại gồng mình chất thêm hàng trăm hàng ngàn buồng Cau lúc lỉu hành phương Bắc, là món quà không thể thiếu của những đứa con xa về quê đón Tết.

Cau nơi phố phường nay được trồng chỉ để trang điểm cho những ngôi biệt thự.
Vì sao Trầu Cau và tục ăn Trầu Cau ăn sâu trong đời sống văn hóa Việt đến vậy?
Truyện xưa kể rằng có hai anh em nhà nọ sinh đôi, giống nhau như đúc và rất thương yêu nhau. Không may, cha mẹ mất sớm, anh em phải nương tựa vào nhau để sống nên càng yêu thương nhau hơn. Trong làng có ông giáo họ Lưu thương cảm hai chàng mồ côi, nhận về nuôi dạy. Ông giáo Lưu có cô con gái rất xinh đẹp, nết na đến tuổi cập kê đem lòng cảm mến người anh, nhưng họ giống nhau quá, không phân biệt được đâu là anh, đâu là em. Nàng bèn nghĩ ra một cách, nàng nấu một nồi cháo và mời hai chàng ăn.Một người nhất định nhường người kia ăn trước, thế là cô gái nhận ra được người anh.
Được ông giáo Lưu cho phép, người anh và cô gái làm lễ cưới và họ sống với nhau rất hạnh phúc.Từ ngày có vợ, tình cảm người anh đối với người em có phần phai lạt, không còn quyến luyến như trước. Người em buồn lắm.Một hôm hai anh em cùng đi làm rẫy, người em mệt nên về trước. Vừa mở cửa bước vào nhà, chị dâu tưởng lầm là chồng mình nên ôm chầm lấy.Vừa khi ấy, người anh về, tưởng rằng em mình có tình ý với chị dâu nên rất giận.Từ đó tình cảm giữa hai anh em ngày càng xa cách.
Quá buồn chán, một đêm nọ, người em bỏ nhà ra đi.Chàng đi, đi mãi đến một con suối nhỏ nước trong xanh biếc trong rừng sâu, chàng ngồi gục bên bờ suối, lả đi rồi chết.Xác chàng biến thành tảng đá to cạnh bờ suối.
Người anh biết em bỏ đi, ân hận vô cùng. Chàng lên đường đi tìm em mà không báo cho vợ biết.Chàng đi mãi, đi mãi đến bờ suối nọ thì mệt mỏi ngồi xuống cạnh tảng đá mà không biết đó là em mình, thiếp đi.Chàng chết, hóa thành một cây mọc thẳng, không cành, ngay bên tảng đá nọ.
Vợ người anh ở nhà chờ đợi không thấy hai anh em trở về, nàng cũng lẳng lặng bỏ nhà đi tìm.Gai rừng cào nát gót chân son của nàng thì nàng mệt lả gục xuống bên bờ suối, ngả vai vào thân cây mọc thẳng nọ.Thân xác nàng hóa thành một loài dây leo, quấn quýt lấy thân cây, quanh năm lá xanh biêng biếc.
Vua Hùng một lần tuần du qua vùng rừng nọ, cùng đoàn tùy tùng dừng chân nghỉ bên dòng suối.Thấy hai loài cây lạ và nghe được câu chuyện về ba người,cảm động,Vua bảo quân lính lấy quả trên cây cao bổ ra làm tư, làm tám kẹp với lá dây leo nhai thử thì thấy cay cay, nồng ấm, nước bã nhổ xuống tảng đá chuyển sang mầu đỏ thẫm.Vua bèn đặt tên cho cây cao mọc thẳng không cành là cây Cau, còn dây leo là dây Trầu.Tảng đá được mang về nung cho xốp để nhai cùng với Trầu Cau cho thêm quyện, thêm nồng. Khi nhai Trầu Cau cùng với một chút vôi đá thì cảm giác ấm cúng, thanh thản.Từ đó dân Việt, bất kể đàn ông đàn bà, nam thanh nữ tú đều có thói quen ăn Trầu Cau và câu chuyện tình Sự tích Trầu Cau keo sơn gắn bó đầy cảm động, bi thương được lưu truyền từ đời này qua đời khác.
Vậy nhưng…
Mâm lễ trong đám hỏi ngày nay vẫn không thể thiếu trầu cau.
Ngày nay hiếm còn thấy ai nhai Trầu bỏm bẻm, và cũng chẳng còn mấy ai đưa Trầu Cau mời khách đến nhà để làm đầu câu chuyện, có chăng chỉ còn các cụ ông, cụ bà tuối ngoại thất tuần ở các chốn quê nghèo còn giữ tục ăn Trầu.Người ta lý giải điều này bằng nhịp sống công nghiệp bận rộn, bon chen.Người ta thay Trầu Cau bằng những chất kích thích thời thượng hơn như thuốc lá, thậm chí Heroin, thuốc Lắc… Người ta còn nhập ngoại về nhiều giống Cau lạ, chủ yếu trồng trong chậu tại gia hay nơi công viên làm cảnh.Tuy nhiên, dù còn ít người ăn Trầu, nhưng Trầu Cau trong đám hỏi, đám cưới hay trên mâm ngũ quả ngày Tết vẫn được dân ta duy trì là một tập quán lâu đời, cho dù nay chỉ còn mang tính biểu trưng cho một mỹ tục xưa.
Dẫu biết rằng Văn hóa cổ truyền không phải là bất biến, và cái sự di phong dịch tục vẫn thường diễn ra trong lịch sử, nhưng mỗi xế chiều, trong nắng quái chiều hôm se se gió mùa đông bắc, thoảng hoặc gặp bóng mẹ già ngồi bên hiên vắng trệu trạo nhai Trầu, vẫn gợi nên cho ta cảm giác nao nao tiếc nuối một điều gì khó gọi tên về một thời quá vãng …
Trầu cau, mai mốt có còn?
Kon Tum, Xuân Tân Mão
Tôn Bảo