In bài viết

Về “Nhà nước pháp quyền” trong Thông điệp đầu năm của Thủ tướng

(Chinhphu.vn) - Theo quan điểm trong Thông điệp đầu năm của Thủ tướng, Nhà nước pháp quyền không chỉ quản lý xã hội bằng pháp luật như lâu nay chúng ta vẫn hiểu, mà bản thân Nhà nước cũng phải đặt mình dưới Hiến pháp và pháp luật. Đó mới là nguyên tắc quan trọng nhất của pháp quyền.

13/01/2014 19:07

Xác định rõ rằng đổi mới thể chế là yêu cầu tất yếu, và có vai trò quyết định trong việc tạo động lực phát triển mới, đột phá cho đất nước, bài viết của Người đứng đầu Chính phủ đề cập 2 vấn đề trọng tâm được coi là cặp “song sinh” trong một thể chế chính trị hiện đại, đó là tập trung nỗ lực xây dựng Nhà nước pháp quyền và phát huy mạnh mẽ dân chủ.

Phân tích cụ thể hơn về khái niệm thì trong một chừng mực nào đó, có thể nói rằng việc xây dựng Nhà nước pháp quyền là nhiệm vụ quan trọng nhất, vì Nhà nước pháp quyền đương nhiên phải bảo đảm dân chủ. Bản thân Thông điệp của Thủ tướng cũng thể hiện quan điểm này.

Thông điệp viết: “Nhà nước pháp quyền phải thượng tôn pháp luật. Pháp luật phải bảo đảm được công lý và lẽ phải. Mọi hạn chế quyền tự do của công dân phải được xem xét cẩn trọng và chủ yếu nhằm bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và những giá trị văn hóa, lịch sử, đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Người dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Cơ quan Nhà nước và cán bộ, công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Mọi quyết định quản lý của Nhà nước đều phải minh bạch”.

Nội dung trên đây đã phản ánh những điểm khá mới mẻ trong quan niệm về Nhà nước pháp quyền. Lâu nay, chúng ta thường hiểu rằng Nhà nước pháp quyền là Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật và “thượng tôn pháp luật” có hàm ý rằng mọi đối tượng, mọi chủ thể trong xã hội phải tuân theo các quy định của pháp luật. Điều đó hoàn toàn đúng, nhưng chưa đủ. Vấn đề đặt ra là, chính Nhà nước ban hành ra pháp luật, vậy thì “thượng tôn pháp luật”, vốn được đặt ra với mọi chủ thể trong xã hội, có đặt ra với chính Nhà nước hay không và cơ chế nào để bảo đảm rằng Nhà nước cũng tự đặt mình dưới pháp luật?

Trong bài viết của Thủ tướng đã hàm chứa câu trả lời. Đó là “cơ quan Nhà nước và cán bộ, công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép”, trong khi người dân “có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm”, “mọi hạn chế quyền tự do của công dân phải được xem xét cẩn trọng” và chỉ trong một số trường hợp hãn hữu nhất định. Đó chính là phát huy dân chủ, và mở rộng không gian cho người dân cũng có nghĩa là thu hẹp không gian của những việc mà Nhà nước được phép làm.

Được phát đi trong ngày đầu tiên mà Hiến pháp mới có hiệu lực, Thông điệp của Thủ tướng nhận định Hiến pháp sửa đổi đã “mở ra không gian Hiến định mới” để chúng ta thực hiện tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về dân chủ và Nhà nước pháp quyền. Thực vậy, lần đầu tiên Hiến pháp quy định: “Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật” (Điều 8). Trong khi Điều 12 Hiến pháp 1992 trước khi sửa đổi quy định: “Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật”.

Trong bài viết trên báo Lao Động, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, theo Hiến pháp mới, chủ thể được Hiến pháp và pháp luật điều chỉnh trước tiên là Nhà nước. Nhà nước pháp quyền còn bao gồm nhiều nội dung khác, nhưng đây chính “là linh hồn, là nguyên tắc quan trọng nhất của pháp quyền”.

Lời nói đầu của Hiến pháp sửa đổi cũng nói rõ: “Nhân dân Việt Nam xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp này”. Để so sánh, Lời nói đầu Hiến pháp năm 1992 viết rằng “Quốc hội quyết định sửa đổi Hiến pháp năm 1980”, còn Nhân dân “nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp”.

Trong khoa học pháp lý, một trong những quan điểm khá phổ biến là coi Hiến pháp như một công cụ để người dân vừa trao quyền cho Nhà nước, vừa hạn chế việc Nhà nước lạm dụng quyền lực được trao (để so sánh và phân biệt với khái niệm pháp luật, được coi như là công cụ của Nhà nước để quản lý xã hội).

Đây chỉ là một trong nhiều quan điểm về Hiến pháp và Hiến pháp vừa được Quốc hội thông qua đã thể hiện rõ quan điểm chính Nhà nước cũng phải tuân thủ “thượng tôn pháp luật”.

Nhưng quyền lực của Nhà nước bị hạn chế không có nghĩa là Nhà nước sẽ làm “ít việc” hơn trước. Ngược lại, với chức năng “kiến tạo phát triển” như Thông điệp của Thủ tướng nêu ra, xem ra khối lượng công việc Nhà nước phải thực thi không chỉ nhiều hơn trước, mà còn khó hơn trước. Đó là “Nhà nước không làm thay dân mà phải tập trung xây dựng khuôn khổ thể chế phù hợp và tạo điều kiện cần thiết để mọi người phát huy năng lực và sức sáng tạo vì lợi ích của chính mình và đóng góp cho xã hội”.

Nói tóm lại, Thông điệp của Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện tư tưởng mới mẻ, sâu sắc về mối quan hệ giữa dân chủ với Nhà nước pháp quyền, về chức năng của Nhà nước. Trao quyền hành pháp và nhiệm vụ thi hành Hiến pháp cho Chính phủ, Hiến pháp mới cũng đồng thời đưa ra những khuôn khổ khả thi để thực thi những tư tưởng đó. Và những tư tưởng đó sẽ là nền tảng vững chắc để tiến hành những cải cách mang tính đột phá và quyết định về thể chế, vốn đang được kỳ vọng rất lớn.

Kim Tuấn