Những ngày đầu thu, chúng tôi ngược dòng sông Lô, về xã Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) - "Thủ đô lâm thời khu giải phóng". Tân Trào đang đổi mới từng ngày và trở thành một điểm du lịch văn hóa - lịch sử hấp dẫn.
15 km đường từ thị trấn Sơn Dương về Tân Trào thảm nhựa phẳng lì, hai bên là những hàng cây xanh mướt. Dọc đường về Tân Trào, những căn nhà cao tầng mọc lên ngày càng nhiều, hệ thống điện - đường - trường - trạm được đầu tư khá hoàn chỉnh xen giữa những cánh rừng xanh ngắt.
Đời đời nhớ ơn Bác Hồ
Trong những ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, đi nơi đâu trên đất Tân Trào, đều thấy rực rỡ hình ảnh Bác Hồ và những câu chuyện kể về Bác.
Quang cảnh uy nghiêm và tôn kính tại Khu di tích khiến chúng tôi thực sự xúc động. Vẫn vẹn nguyên Đình Hồng Thái, Đình Tân Trào cổ kính, lán Nà Lừa đơn sơ nơi Bác Hồ từng sống và làm việc. Và những dấu tích thiêng liêng còn lưu lại, Cây đa Tân Trào - nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị Tổng tư lệnh đầu tiên của Quân đội làm lễ xuất quân dưới gốc đa này. Ngày cuối tuần, nhiều đoàn khách từ các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ninh, Hải Phòng, Phú Thọ… đã về thăm Tân Trào. Ban Quản lý Khu di tích lịch sử văn hóa và sinh thái Tân Trào cho biết, mỗi dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, du khách về thăm Tân Trào càng đông, cho thấy sự tôn kính và tri ân của nhân dân cả nước với miền đất là chiếc nôi cách mạng.
Đình Tân Trào, địa danh đã đi vào sử sách vẫn cổ kính dưới những tán cây cao vút, mướt xanh. Ngày 16/8/1945, Quốc dân Đại hội do đồng chí Nguyễn Ái Quốc (Bác Hồ) chủ trì đã họp dưới mái đình này, đưa ra quyết định lịch sử Tổng khởi nghĩa trên cả nước để làm nên thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám. Các đoàn khách đến tham quan đều dừng chân tại Đình Tân Trào thắp hương tưởng nhớ công lao của các thế hệ đi trước đã góp phần làm nên lịch sử. Đường từ Đình Tân Trào dẫn vào nơi Bác ở và làm việc, lán Nà Lừa thẳng tắp. Lán đơn sơ, lợp lá, vách liếp, nơi hằng ngày Bác Hồ nghe các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng… báo cáo tình hình, đưa ra những quyết sách quan trọng đối với vận mệnh của đất nước.
Vùng đất Tân Trào lịch sử, từng là trung tâm Thủ đô "Khu giải phóng", trung tâm "Thủ đô kháng chiến". Mỗi tấc đất, mỗi con người Tân Trào hôm nay và mai sau mãi vẫn còn lưu giữ hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh vô cùng vĩ đại, nhưng cũng hết mực thân thương, gần gũi. Câu chuyện Bác Hồ bên dòng suối Khuôn Pén trong giờ phút lịch sử tại Đại hội Quốc dân của 66 năm trước, hầu hết người dân Tân Trào đều nhớ. Sáng 17/8/1945, sau 1 ngày Quốc dân Đại hội được khai mạc dưới mái đình Tân Trào. Giọng Bác trang nghiêm đọc lời tuyên thệ: "Chúng tôi là người do Quốc dân Đại hội bầu vào Ủy ban Dân tộc Giải phóng để lãnh đạo cuộc cách mạng của nhân dân ta. Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo nhân dân tiến lên; ra sức chống quân thù giành độc lập cho Tổ quốc. Dù hy sinh đến giọt máu cuối cùng, quyết không lùi bước! Xin thề! Xin thề! Xin thề!", lời thề ngắn gọn, hùng hồn, thể hiện khí phách chiến đấu kiên cường, bất khuất của dân tộc ta. Mái đình Tân Trào đã chứng kiến lời thề của Bác, chứng kiến những ngày sôi sục của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng 8 lịch sử. Lời thề ấy đến nay vẫn còn vọng mãi trong ký ức, trái tim của người dân Tân Trào.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hàng ngàn người con huyện Sơn Dương đã anh dũng hy sinh bảo vệ Tổ quốc, 76 gia đình được tặng Bằng có công với cách mạng, 4.715 tập thể và cá nhân được tặng Huân chương Kháng chiến, 9 mẹ Việt Nam Anh hùng, 2 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Huyện Sơn Dương và 2 xã (Minh Thanh, Tân Trào) được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân…
"Chuyển mình" trên quê hương Cách mạng
Cổ nhân có câu "nhất cận thị, nhị cận giang", nằm kề sông Lô, lợi thế về địa lý, tự nhiên đã góp phần tạo nên phẩm chất của người dân ở vùng đất Tân Trào. Họ luôn năng động, nhạy bén, dám nghĩ, dám làm. Bởi thế mà ở Tân Trào có rất nhiều hộ gia đình biết đầu tư phát triển kinh tế. Khi đời sống kinh tế được nâng lên, người dân đã biết cải thiện đời sống tinh thần. Các giá trị văn hóa, lịch sử từ đó được quan tâm bảo tồn, gìn giữ.
Người dân nơi đây đã chuyển đổi cách làm kinh tế từ thuần nông sang làm thêm du lịch dịch vụ. Từ bàn tay khéo léo của các cô gái dân tộc Tày, Nùng, Dao... đã làm ra những món đồ thủ công lưu niệm như áo, khăn dệt thổ cẩm, hàng mây tre đan phục vụ khách du lịch. Những gia đình có nếp nhà sàn thì sửa sang nhà cửa sạch sẽ, khang trang sẵn sàng đón khách đến trọ, xây dựng khu vui chơi, nghỉ dưỡng...
Ông Viên Tiến Thăng, Chủ tịch UBND xã Tân Trào tự hào, Tân Trào đã có những bước tiến vượt bậc về phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội. 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, các công trình nước sạch đã triển khai đến tất cả các thôn bản của xã, người dân không phải lên núi lấy nước, mức sống của đồng bào các dân tộc được nâng lên đáng kể cũng là nhờ những chính sách của Đảng, Nhà nước đưa Tân Trào trở thành khu du lịch lịch sử, văn hóa trọng điểm của tỉnh Tuyên Quang. Các công trình phúc lợi xã hội như nhà văn hóa, trạm y tế, trường học… đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhân dân.
Thôn Tân Lập (Tân Trào) đường sá phong quang sạch đẹp. Những ngôi nhà sàn ẩn mình dưới tán cọ, rừng vẫn bạt ngàn xanh. Để được như ngày hôm nay là cả sự nỗ lực của những người dân và sự sát cánh của chính quyền địa phương. Tân Lập nhiều năm liền được công nhận là khu dân cư văn hóa tiên tiến, góp phần không nhỏ đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ông Ma Anh Tuấn, trưởng thôn Tân Lập cho biết, thôn có 160 hộ, 702 nhân khẩu, trong đó có 93% bà con là dân tộc Tày. Bà con nơi đây phần lớn là làm nông nghiệp và chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Trong phát triển kinh tế, thôn đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, cơ giới hóa sản xuất… Tân Lập 5 năm liền được công nhận là Khu dân cư văn hóa, được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư ". Thôn đã được UBND huyện Sơn Dương tặng Giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước, giai đoạn 2006 - 2010.
Hiện nay, tỉnh Tuyên Quang đã hỗ trợ đầu tư xây dựng bê tông hóa đường làng ngõ xóm; hỗ trợ xi măng làm nền nhà cho các hộ dân xung quanh Khu di tích Cây đa Tân Trào, Đình Hồng Thái và đổ bê tông đường vào 13 hộ gia đình là điểm đón du khách ăn nghỉ, sinh hoạt. Huy động nhân dân sưu tầm, phục hồi và trang trí tại hộ gia đình các loại nông cụ sản xuất, đồ dùng sinh hoạt, tìm lại những giá trị văn hóa tinh thần xa xưa của đồng bào các dân tộc nơi đây để phục vụ nhu cầu du lịch. Trong xã Tân Trào hiện có 1 khách sạn, 3 nhà nghỉ. Làng văn hóa - du lịch Tân Lập có thể đáp ứng 500 chỗ ngủ cho khách tại các nhà sàn; hơn 200 hộ kinh doanh thương mại dịch vụ, cung cấp đủ các loại sản phẩm cho người dân và khách du lịch, doanh thu từ du lịch mỗi năm đạt gần 35 tỷ đồng.
Về Tân Trào - nơi cội nguồn cách mạng hôm nay, nhiều công trình, nhiều dự án mới mọc lên. Mỗi công trình lại là một động lực thúc đẩy vùng đất này phát triển. Cây cầu Kim Xuyên nối đôi bờ sông Lô không chỉ thể hiện khát vọng của người dân vùng hạ huyện mà còn là biểu tượng về một tương lai mới của cả dải đất Sơn Dương.
Xuân Hợp