In bài viết

Về việc người mất tích được coi là đã chết

(Chinhphu.vn) - Gia đình ông Nguyễn Xuân Anh (Hà Nội) có người chú bỏ đi đã 8 năm, gia đình đăng tin tìm kiếm nhưng không thấy. Nay, gia đình ông muốn làm giấy chứng tử thì giải quyết thế nào? Người mất tích bao nhiêu năm thì được Tòa án ra quyết định tuyên bố là đã chết?

08/06/2011 16:22

Luật sư Lê Văn Đài, Trưởng Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời câu hỏi của ông Nguyễn Xuân Anh như sau:

Theo quy định tại Điều 81 Bộ luật Dân sự, người có quyền, lợi ích liên quan có thể yêu cầu Toà án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết trong các trường hợp sau đây:

- Sau 3 năm, kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của Toà án có hiệu lực pháp luật mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;

- Biệt tích trong chiến tranh sau 5 năm, kể từ ngày chiến tranh kết thúc mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;

- Bị tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai mà sau 1 năm, kể từ ngày tai nạn hoặc thảm hoạ, thiên tai đó chấm dứt vẫn không có tin tức xác thực là còn sống, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

- Khi một người biệt tích 5 năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống. Thời hạn 5 năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó; nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng.

- Tuỳ từng trường hợp, Toà án xác định ngày chết của người bị tuyên bố là đã chết căn cứ vào các trường hợp nêu trên.

Thủ tục yêu cầu tuyên bố một người là đã chết

Tại Điều 335 và Điều 337 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định:

Người có quyền, lợi ích liên quan gửi đơn yêu cầu Toà án tuyên bố một người là đã chết theo quy định của Bộ luật Dân sự. Gửi kèm theo đơn yêu cầu là chứng cứ để chứng minh người bị yêu cầu tuyên bố là đã chết thuộc trường hợp theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Toà án có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận đơn yêu cầu tuyên bố một người là đã chết. Trong trường hợp chấp nhận đơn yêu cầu thì Toà án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết; trong quyết định này, Toà án phải xác định ngày chết của người đó và hậu quả pháp lý của việc tuyên bố một người là đã chết theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Đăng ký khai tử

Căn cứ quy định tại Điều 21 và điểm g, khoản 2, Điều 22 Nghị định 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch, đối với trường hợp một người bị Toà án tuyên bố là đã chết thì quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật thay cho Giấy báo tử. Người đi khai tử phải nộp quyết định tuyên bố một người là đã chết (thay cho Giấy báo tử), sau khi kiểm tra các giấy tờ hợp lệ, cán bộ Tư pháp hộ tịch ghi vào sổ đăng ký khai tử và Giấy chứng tử, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ký và cấp cho người đi khai tử một bản chính Giấy chứng tử. Bản sao Giấy chứng tử được cấp theo yêu cầu của người đi khai tử.

Trường hợp người chú của ông Nguyễn Xuân Anh đã biệt tích 8 năm, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống, thì người có quyền, lợi ích liên quan có thể yêu cầu Toà án ra quyết định tuyên bố người chú của ông Nguyễn Xuân Anh là đã chết.

Trường hợp Tòa án ra quyết định tuyên bố người chú của ông Nguyễn Xuân Anh là đã chết, gia đình ông có thể đem quyết định này đến UBND cấp xã đăng ký khai tử và nhận Giấy chứng tử theo quy định của pháp luật về hộ tịch.

Luật sư Lê Văn Đài

VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật