![]() |
Ảnh minh họa |
Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời câu hỏi của ông Phước như sau:
Ngày 26/4/2012 Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 10/2012/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện mức lương tối thiểu chung đối với công ty TNHH một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu. Tại thời điểm này Thông tư 10/2012/TT-BLĐTBXH đang còn hiệu lực. Theo Điều 2 Thông tư này, việc áp dụng mức lương tối thiểu chung để tính các mức lương thực hiện như sau:
- Căn cứ mức lương tối thiểu chung và hệ số lương trong các thang lương, bảng lương và phụ cấp lương quy định tại Nghị định số 205/2004/NĐ-CP, Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ, Công ty tính lại mức lương, phụ cấp lương làm cơ sở đóng, hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; tiền lương ngừng việc; tiền lương ngày nghỉ lễ, nghỉ hàng năm và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động.
- Việc tính mức lương trong các thang lương, bảng lương và phụ cấp lương được thực hiện như sau: lấy hệ số lương cấp bậc theo chức danh nghề, công việc; hệ số lương chuyên môn, nghiệp vụ; hệ số lương chức vụ được xếp, phụ cấp lương, hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có) nhân với mức lương tối thiểu chung.
Ngày 10/12/2012, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 29/2012/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động. Theo điểm a, điểm b, khoản 3, Điều 5 Thông tư này, Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu khi xác định đơn giá tiền lương của người lao động và quỹ tiền lương của viên chức quản lý theo Nghị định số 206/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004; Nghị định số 207/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004; Nghị định số 86/2007/NĐ-CP ngày 28/5/2007; Nghị định số 141/2007/NĐ-CP ngày 5/9/2007 của Chính phủ thì được lựa chọn, áp dụng mức lương tối thiểu như sau:
- Đối với công ty bảo đảm đủ các điều kiện theo quy định tại Thông tư số 07/2005/TT-BLĐTBXH, Thông tư số 08/2005/TT-BLĐTBXH ngày 5/1/2005 và Thông tư số 27/2010/TT-BLĐTBXH ngày 14/9/2010 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì được lựa chọn mức lương tối thiểu cao hơn mức lương tối thiểu chung do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ để xác định đơn giá tiền lương của người lao động và áp dụng hệ số điều chỉnh tăng thêm quỹ tiền lương để xác định quỹ tiền lương kế hoạch của viên chức quản lý, nhưng phải bảo đảm mức tăng (theo tỷ lệ %) tiền lương bình quân kế hoạch so với thực hiện năm trước liền kề (từ quỹ tiền lương được chủ sở hữu phê duyệt) của viên chức quản lý chuyên trách không vượt quá mức tăng (theo tỷ lệ %) tiền lương bình quân kế hoạch so với thực hiện năm trước liền kề của người lao động.
- Đối với công ty không bảo đảm đủ các điều kiện theo quy định tại Thông tư số 07/2005/TT-BLĐTBXH, Thông tư số 08/2005/TT-BLĐTBXH ngày 5/1/2005 và Thông tư số 27/2010/TT-BLĐTBXH ngày 14/9/2010 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, không xây dựng và báo cáo đơn giá tiền lương hoặc kế hoạch sản xuất, kinh doanh lỗ hoặc không có lợi nhuận thì áp dụng mức lương tối thiểu chung do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ để xác định đơn giá tiền lương, quỹ tiền lương chế độ của người lao động, quỹ tiền lương kế hoạch, quỹ tiền lương thực hiện và quỹ tiền lương chế độ của viên chức quản lý.
Trường hợp khi xác định quỹ tiền lương thực hiện của người lao động, đối với người lao động có mức tiền lương chế độ (hệ số lương hiện hưởng theo thang lương, bảng lương ban hành kèm theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP, Nghị định số 204/2004/NĐ-CP của Chính phủ nhân với mức lương tối thiểu chung) thấp hơn mức lương tối thiểu vùng thì được tính thêm chênh lệch giữa mức tiền lương chế độ và mức lương tối thiểu vùng để bổ sung vào quỹ tiền lương thực hiện và trả lương cho người lao động.
Ông Phước đang làm việc tại Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu, tại địa bàn thuộc vùng III. Do hiện nay công ty chưa xây dựng và báo cáo đơn giá tiền lương để xác định Quỹ lương theo kế hoạch năm, nên đã áp dụng mức lương tối thiểu chung để tính các mức lương theo quy định tại Điều 2, Thông tư số 10/2012/TT-BLĐTBXH và điểm b, khoản 3, Điều 5, Thông tư số 29/2012/TT-BLĐTBXH là có cơ sở.
Theo Nghị định số 66/2013/NĐ-CP mức lương cơ sở 1.150.000 đ/tháng được tính hưởng kể từ ngày 1/7/2013 và thay thế mức lương tối thiểu chung quy định tại các văn bản về chế độ tiền lương và các chế độ khác có liên quan đến tiền lương của cơ quan có thẩm quyền.
Hiện nay Công ty đang trả lương cho ông Phước theo mức tiền lương chế độ, hệ số lương kỹ sư bậc 1, bảng lương viên chức chuyên môn nghiệp vụ trong công ty nhà nước ban hành kèm theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP nhân với mức lương tối thiểu chung (nay gọi là mức lương cơ sở), cụ thể : 2,34 x 1.150.000 đồng = 2.691.000 đồng.
Căn cứ Nghị định số 103/2013/NĐ-CP, mức lương tối thiểu vùng thuộc địa bàn vùng III là 1.800.000 đồng/tháng được áp dụng từ ngày 1/1/2013.
Căn cứ Nghị định số 182/2013/NĐ-CP, mức lương tối thiểu vùng thuộc địa bàn vùng III là 2.100.000 đồng/tháng được áp dụng từ ngày 1/1/2014.
Mức lương ông Phước đang hưởng hiện nay là 2.691.000 đồng/tháng, cao hơn mức lương tối thiểu vùng thuộc địa bàn vùng III (nơi Công ty hoạt động). Việc Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp trả lương cho ông Phước như ông đã phản ánh là phù hợp với quy định của pháp luật tiền lương hiện hành.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng – Đoàn luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.