In bài viết

Về việc Việt Nam gia nhập Công ước Rotterdam

(Website Chính phủ) - Ngày 12/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đề nghị Chủ tịch nước xem xét, quyết định việc gia nhập Công ước Rotterdam về thủ tục thỏa thuận thông báo trước đối với một số hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật (HC&TBVTV) nguy hại trong thương mại quốc tế.

12/03/2007 18:08
Thuốc bảo vệ thực vật là hóa chất cần được kiểm duyệt kỹ càng trước khi sử dụng

Việc gia nhập Công ước Rotterdam sẽ giúp Việt Nam tăng cường hợp tác trong thương mại quốc tế cũng như tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng HC&TBVTV nguy hại, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường. Là thành viên Công ước sẽ giúp Việt Nam hạn chế nhập khẩu những HC&TBVTV nguy hại cũng như bổ sung cho danh mục HC&TBVTV hạn chế hoặc cấm sử dụng ở Việt Nam.

Gia nhập Công ước sẽ góp phần bảo vệ quyền lợi quốc gia thông qua việc bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe của người sản xuất và bảo đảm an toàn cho người sử dụng nông sản. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam có thể tăng cường trao đổi, chia sẻ thông tin với các nước thành viên của Công ước về các loại hóa chất và tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao năng lực tổ chức quản lý; giám sát HC&TBVTV  ở Việt Nam; hỗ trợ các công ty kinh doanh, sản xuất thuốc HC&TBVTV định hướng phát triển tuân thủ pháp luật về quản lý hóa chất và bảo vệ môi trường. Gia nhập Công ước cũng đồng nghĩa nâng cao vị thế của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.

 

Được biết, Công ước Rotterdam có hiệu lực từ 24/2/2004. Mục tiêu của Công ước nhằm bảo vệ sức khỏe con người và môi trường thông qua việc chia sẻ trách nhiệm và hợp tác trong thương mại quốc tế liên quan đến HC&TBVTV độc hại. Hiện nay đã có 39 hóa chất và hợp chất được Công ước đưa vào danh mục phụ lục III. Khi một hóa chất được đưa vào phụ lục này, tất cả các bên tham gia Công ước sẽ nhận được tài liệu hướng dẫn quyết định bao gồm những thông tin về hóa chất này và quyết định áp dụng cấm hoặc kiểm soát chặt chẽ. Ngoài ra, Công ước còn tăng cường trao đổi thông tin nhiều mặt về hóa chất thông qua các quy định của Công ước đối với các nước thành viên.

Hiện nay, đã có 112 nước tham gia Công ước, trong đó có 5 thành viên khối ASEAN là Indonexia, Malayxia, Philipin, Singapore và Thái Lan.

Mai Hương

(Nguồn: Công văn số 315/TTg-QHQT)