In bài viết

Về việc xây dựng Đề án đặc thù phát triển nguồn nhân lực vùng ĐBSCL

(Chinhphu.vn) - Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân vừa có ý kiến chỉ đạo về việc xây dựng Đề án đặc thù phát triển nguồn nhân lực vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giai đoạn 2011- 2015.

29/05/2012 19:03

Phó Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cần chủ động phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL để chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch phát triển nhân lực cả nước; Quyết định số 1033/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề cho vùng ĐBSCL và Quy hoạch phát triển nhân lực các địa phương trong vùng.

Theo Quyết định số 1033/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp chủ yếu phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng ĐBSCL nhằm tạo bước đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững của vùng và cả nước.

 

Một số mục tiêu phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng ĐBSCL giai đoạn 2011-2015:

- Giáo dục mầm non: 100% số tỉnh, thành phố trong vùng đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi...

- Giáo dục phổ thông: đến năm 2015, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường đạt tối thiểu 99% ở tiểu học, 85% ở trung học cơ sở, 60% ở trung học phổ thông.

- Dạy nghề: đến năm 2015 tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 40%, bình quân đào tạo 445.000 lượt người/năm; toàn vùng có 22 trường cao đẳng nghề, 35 trường trung cấp nghề...

- Giáo dục đại học: đến năm 2015 bình quân đạt 190 sinh viên/vạn dân; đảm bảo cơ cấu hợp lý theo các ngành kinh tế, xã hội có thế mạnh của vùng...

Phương Hiển