In bài viết

Về việc xử lý tài sản của bên bảo lãnh

(Chinhphu.vn) - Năm 2006 bà Ngô Thúy Loan (TP. Hà Nội) có mang tài sản của gia đình là quyền sử dụng đất và tài sản trên đất bảo lãnh cho 1 doanh nghiệp (DN) vay ngân hàng A vốn đầu tư xây dựng nhà xưởng và sản xuất. Năm 2007, sau khi hoàn thiện phần đầu tư, DN này đã mang toàn bộ tài sản hình thành từ nguồn vốn vay này đi vay vốn ngân hàng khác (ngân hàng B).

22/08/2012 14:33

Năm 2008, doanh nghiệp không trả nợ nên ngân hàng A đã khởi kiện ra tòa. Tòa án tuyên: “Buộc Công ty… phải trả nợ vay ngân hàng (A). Nếu công ty không trả được nợ thì ngân hàng A có quyền phát mại tài sản bảo lãnh…”.

Sau bản án, doanh nghiệp vẫn không chấp hành bản án, hàng năm vẫn liên tục ký hợp đồng thế chấp tài sản vào ngân hàng B để ký các hợp đồng tín dụng vay vốn với số tiền vay nhỏ hơn trị giá tài sản thế chấp.

Năm 2010, ngân hàng A đã gửi đơn đề nghị thi hành án đến cơ quan thi hành án. Cơ quan thi hành án đã ra quyết định cưỡng chế kê biên tài sản bảo lãnh của gia đình bà, mặc dù bên được bảo lãnh vẫn có điều kiện thi hành án, nhưng không chịu trả nợ.

Bà  Loan hỏi: Quyết định trên của cơ quan thi hành án có phù hợp với quy định của pháp luật không?

Về vấn đề trên, Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời như sau:

Tại các Điều 361, Điều 363 Bộ Luật Dân sự năm 2005 quy định:

Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Các bên cũng có thể thoả thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình.

Bên bảo lãnh có thể cam kết bảo lãnh một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ cho bên được bảo lãnh.

Nghĩa vụ  bảo lãnh bao gồm cả tiền lãi trên nợ gốc, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Việc xử lý tài sản của bên bảo lãnh được quy định tại Điều 369 Bộ luật Dân sự và được hướng dẫn tại khoản 13 Điều 1 Nghị định 12/2012/NĐ-CP ngày 22/2/2012 sửa đổi Điều 47 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm như sau:

Trong trường hợp đã đến hạn thực hiện nghĩa vụ  thay cho bên được bảo lãnh, mà bên bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên bảo lãnh phải đưa tài sản thuộc sở hữu của mình để thanh toán cho bên nhận bảo lãnh. 

Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận về việc cầm cố, thế chấp tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh thì bên bảo lãnh phải giao tài sản thuộc sở hữu của mình cho bên nhận bảo lãnh xử lý theo yêu cầu của bên nhận bảo lãnh, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Nếu bên bảo lãnh không giao tài sản thì bên nhận bảo lãnh có quyền khởi kiện theo quy định của pháp luật.

Tại thời điểm xử lý tài sản của bên bảo lãnh nếu bên bảo lãnh không có tài sản để xử lý hoặc khoản tiền thu được từ việc xử lý tài sản không đủ thanh toán nghĩa vụ được bảo lãnh thì trong phạm vi nghĩa vụ được bảo lãnh, bên nhận bảo lãnh có quyền yêu cầu bên bảo lãnh phải giao tài sản có được sau thời điểm xử lý cho mình để tiếp tục xử lý.

Trường hợp bà Ngô Thúy Loan đã mang tài sản của gia đình là quyền sử dụng đất và tài sản trên đất bảo lãnh cho một doanh nghiệp vay vốn ngân hàng. Do đến hạn trả nợ vay doanh nghiệp không trả nợ, ngân hàng đã khởi kiện ra Tòa án. Tòa án tuyên “Buộc Công ty phải trả nợ vay ngân hàng. Nếu công ty không trả được nợ thì ngân hàng có quyền phát mại tài sản bảo lãnh”.

Căn cứ quy định của pháp luật về bảo lãnh và xử lý tài sản của bên bảo lãnh; căn cứ Luật Thi hành án; căn cứ vào bản án đã có hiệu lực pháp luật, thì người phải thi hành án (là công ty) phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ vay ngân hàng khi có điều kiện thi hành án.

Theo khoản  6, Điều 3 Luật Thi hành án thì có điều kiện thi hành án là trường hợp người phải thi hành án có tài sản, thu nhập để thi hành nghĩa vụ về tài sản; tự mình hoặc thông qua người khác thực hiện nghĩa vụ thi hành án.

Nếu trong hợp  đồng bảo lãnh, các bên gồm bên bảo lãnh (bà Loan), bên nhận bảo lãnh (ngân hàng), bên được bảo lãnh (công ty) không có thoả thuận về việc bà Loan chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi công ty không có khả năng thực hiện nghĩa vụ trả nợ vay, thì khi công ty đó không trả nợ ngân hàng (mặc dù có tài sản để trả nợ) bà Loan phải thực hiện nghĩa vụ thay công ty bằng tài sản bảo lãnh, do khoản nợ đó công ty đã được bà Loan bảo lãnh bằng tài sản của bà.

Tại Điều 4 Luật Thi hành án quy định: Cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan trong phạm vi trách nhiệm của mình chấp hành nghiêm chỉnh bản án và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thi hành án.

Khi người phải thi hành án (là công ty) không tự nguyện thi hành án, Cơ quan thi hành án ra Quyết định cưỡng chế kê biên tài sản bảo lãnh của bên bảo lãnh để xử lý là đúng với bản án đã tuyên.

Luật sư Trần Văn Toàn

VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.