Vụ Vedan gây ô nhiễm sông Thị Vải đã khiến dư luận bức xúc - Ảnh một ống xả nước thải chưa qua xử lý của Vedan |
Động thái này của Vedan được đưa ra trong cuộc họp ngày 11/12 tại Hà Nội do Tổng cục Môi trường (Bộ Tài Nguyên và Môi trường) tổ chức, trước các chứng cứ khoa học cụ thể của các Viện nghiên cứu...
Tại cuộc họp này, Viện Môi trường và Tài nguyên (ĐHQG TP.HCM), Viện Hóa học (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã đưa ra kết quả nghiên cứu về phạm vi, mức độ ô nhiễm và ảnh hưởng đến môi trường, gây ô nhiễm sông Thị Vải của Công ty Cổ phần hữu hạn Vedan Việt Nam, thuộc địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM.
Riêng việc xác định phạm vi ô nhiễm đối với các dòng nhánh và các khu vực có liên quan, Công ty sẽ tiếp tục phối hợp với Viện Môi trường và Tài nguyên làm rõ và xác định cụ thể.
Tổng cục Môi trường và các địa phương: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh thống nhất với đánh giá của Viện Môi trường và Tài nguyên là Vedan "đóng góp" khoảng 89% ô nhiễm trong phạm vi đã được xác định.
Song Công ty này chưa đồng ý về tỷ lệ này, đồng thời đề nghị sẽ tiếp tục làm việc với Viện Môi trường và Tài Nguyên và các cơ quan có liên quan xác định lại mức độ gây ô nhiễm của Công ty.
Trên cơ sở kết quả cuộc họp, các thành viên tham dự đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm công bố kết quả xác định phạm vi, mức độ ô nhiễm và ảnh hưởng đến môi trường do hành vi gây ô nhiễm sông Thị Vải của Công ty Cổ phần hữu hạn Vedan gây ra.
Đây là căn cứ để UBND các tỉnh, thành phố nêu trên chỉ đạo các địa phương có liên quan thống kê thiệt hại về kinh tế và môi trường, yêu cầu Công ty bồi thường thiệt hại hoặc hỗ trợ người dân bị thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Sau khi vụ việc vi phạm của Công ty Cổ phần hữu hạn Vedan bị phát hiện và ngăn chặn, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và TP.Hồ Chí Minh "vào cuộc", đến nay chất lượng sông Thị Vải đã có nhiều chuyển biến, nồng độ ô xy hòa tan trong nước đảm bảo tiêu chuẩn cho phép, dao động từ 4,5 mg/l đến trên 8mg/l và có xu hướng tăng dần từ thượng nguồn đến vùng cửa sông (Cái Mép). Các thông số lý hóa của nước và trầm tích khác đảm bảo tiêu chuẩn cho phép đối với nước mặt sử dụng cho mục đích bảo vệ thủy sinh, không còn các đoạn sông ô nhiễm "sông chết" như trước đây. |
Hà Chính