Ảnh minh họa |
Theo dự thảo, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực hóa chất đối với cá nhân là 50.000.000 đồng, đối với tổ chức là 100.000.000 đồng. Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực vật liệu nổ công nghiệp đối với cá nhân là 100.000.000 đồng, đối với tổ chức là 200.000.000 đồng.
Đối với vi phạm về nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ, mức phạt được đề xuất như sau:
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đóng gói vật liệu nổ công nghiệp không phù hợp quy chuẩn đã đăng ký, công bố hợp quy.
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi: Nghiên cứu, chế thử vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ không đúng nội dung, điều kiện quy định trong đề án nghiên cứu đã được phê duyệt; sử dụng nguyên liệu sản xuất vật liệu nổ công nghiệp không rõ nguồn gốc.
Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi: Sản xuất vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ khi chưa khắc phục, bổ sung các thiếu sót về điều kiện sản xuất theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; thay đổi quy trình sản xuất vật liệu nổ công nghiệp khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền.
Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi: Nghiên cứu, chế thử, thử nghiệm vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép, giao nhiệm vụ; sản xuất vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ.
Bên cạnh đó, còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm đối với các hành vi vi phạm hoặc tước quyền sử dụng giấy chứng nhận hoặc đình chỉ hoạt động vật liệu nổ công nghiệp 6 tháng...
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
LP