Theo India Times, trị giá hợp đồng này lên đến 4 tỷ USD và theo hình thức mua trực tiếp giữa hai chính phủ nhằm giúp giảm chi phí chuyển giao kỹ thuật và rút ngắn thời gian giao hàng.
“Pháp luôn là một nhà cung cấp đáng tin cậy các loại máy bay chiến đấu và tàu ngầm cho Ấn Độ. Chúng tôi muốn các điều khoản và điều kiện về vấn đề này sẽ được thương lượng và giới chức của chúng tôi sẽ thảo luận sâu về các khía cạnh liên quan, đồng thời sẽ thúc đẩy các cuộc đàm phán”, Thủ tướng Modi nói.
Thông qua việc hợp tác với Pháp, Ấn Độ muốn hiện đại hóa lực lượng quốc phòng, nhất là đối với lực lượng không quân hiện đang sở hữu các trang thiết bị được cho là đã lỗi thời.
Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã nhiều lần đưa ra lời cảnh báo về phi đội máy bay cũ kỹ của nước này và khẳng định, Ấn Đội cần khẩn cấp thay mới máy bay từ năm 2017 để có thể bắt kịp các nước láng giềng.
Thủ tướng Ấn Độ Modi và Tổng thống Pháp Hollande |
Một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Pháp cho biết, thỏa thuận này khác với thỏa thuận hồi năm 2012 về việc bán 126 máy bay Rafale cho Ấn Độ, có trị giá 20 tỷ USD.
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp xác nhận, 36 chiếc Rafale trong hợp đồng mới sẽ được sản xuất tại Pháp và hai bên sẽ tiếp tục đàm phán các điều khoản về chuyển giao công nghệ trong thỏa thuận năm 2012. Cho đến nay, quá trình thương thảo bản hợp đồng năm 2012 vẫn chưa ngã ngũ.
Theo nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ, khúc mắc chính là điều khoản chuyển giao công nghệ, sản xuất 108 chiếc ở Ấn Độ.
Giới chức quốc phòng Ấn Độ cho biết, Rafale là loại máy bay chiến đấu có nền tảng công nghệ tiên tiến cùng với hệ thống điện tử, dẫn đường, vũ khí rất hiện đại, đòi hỏi trình độ rất cao của ngành chế tạo, lắp ráp máy bay.
Chính vì vậy, Chính phủ Ấn Độ và Bộ Quốc phòng nước này nhất quyết đòi đối tác Pháp phải chịu trách nhiệm kỹ thuật cho số máy bay do Công ty trách nhiệm hữu hạn hàng không Ấn Độ (Hindustan Aeronautics Limited-HAL) tại Banggalo lắp ráp.
Trong khi đó, phía Pháp cho hay, sẽ giúp HAL theo sát được lộ trình giao hàng, nhưng không cam kết bảo hành chất lượng việc sản xuất máy bay này tại một cơ sở mà họ không quản lý hoặc không có sự kiểm soát của chuyên gia Pháp.
* Chiến đấu cơ Rafale là sản phẩm của công ty Dassault Aviation cùng với sự hợp tác của Cơ quan mua sắm quốc phòng DGA (Direction Générale de I’Armement). Máy bay tiêm kích- ném bom Rafale của Pháp là một trong những loại máy bay thế hệ 4 (có thể đặt bao nhiêu dấu cũng được) có công nghệ hiện đại nhất được sản xuất hàng loạt.
Rafale là máy bay chiến đấu đa nhiệm vụ với cánh hình tam giác và động cơ kép. Máy bay chiến đấu Rafale có khả năng tấn công đồng thời hệ thống phòng không, mục tiêu trên mặt đất và làm nhiệm vụ do thám.
Tiêm kích Rafale có khả năng mang tới 9,5 tấn vũ khí gồm: tên lửa không đối không, không đối đất, chống radar, không đối hạm, bom hàng không có điều khiển. Rafale được trang bị các hệ thống điện tử hàng không hiện đại nhất thế giới hiện nay. Nhà sản xuất tuyên bố hệ thống chiến tranh điện tử Spectra sẽ giúp Rafale hoạt động an toàn dưới hỏa lực phòng không đối phương.
Với thiết kế khí động học khá ưu việt, lại được sự hỗ trợ của cánh mũi, Rafale có thể thực hiện những pha quay ngoặt đột ngột trong không gian chật hẹp. Đặc biệt, với sức mạnh của Rafale khi được kết hợp với tên lửa Hammer sẽ tạo ra sức mạnh răn đe với bất kỳ đối thủ nào.
PV (tổng hợp)