Người làm nghề tự do được hỗ trợ 1.500.000 đồng, tuy nhiên thợ hồ, phụ hồ, thợ sắt, thợ mộc, thợ sơn lại phải có giấy phép xây dựng của chủ nhà mới được hỗ trợ, còn người buôn bán nhỏ lẻ, hàng rong, xe thồ, xe ôm lại không yêu cầu có giấy tờ xác nhận.
Ông Sang cho rằng, khi địa phương thực hiện giãn cách xã hội ai cũng bị thất nghiệp, khó khăn như nhau. Do vậy, ông Sang đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết cho các đối tượng thợ hồ, phu hồ...
Về vấn đề này, UBND tỉnh Ninh Thuận trả lời như sau:
Về nội dung chưa nhận được hỗ trợ: Qua kiểm tra và nhận kết quả báo cáo từ Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội, UBND huyện Ninh Phước thì ông Trịnh Ngọc Sang làm việc cho công trình nhà ông Lê Ngọc Cường tại Phước Thuận, Ninh Phước, hồ sơ của ông Sang đã được thẩm định và công khai bị từ chối hỗ trợ vì lý do nhà ông Lê Ngọc Cường triển khai thi công khi giấy phép xây dựng đã hết hạn.
Về nội dung so sánh công trình xây dựng không phép và các hoạt động kinh doanh khác không cần giấy xác nhận: Các hoạt động kinh doanh khác (buôn bán nhỏ lẻ, hàng rong, xe ôm... ) là vì bản thân các hoạt động kinh doanh này phù hợp với pháp luật hiện hành. Các công trình xây dựng tư nhân, riêng lẻ trái phép (không có giấy phép) là hoạt động đang vi phạm pháp luật, phá hỏng quy hoạch xây dựng, quy hoạch dân cư và quy hoạch chung của toàn tỉnh; chưa được hỗ trợ vì trước mắt, UBND tỉnh không cổ súy cho các hành vi vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, UBND tỉnh Ninh Thuận vẫn tiếp tục chỉ đạo các địa phương xem xét, tổng hợp số lượng bị ảnh hưởng và có đề xuất, giải pháp tháo gỡ vướng mắc của quy định nhằm hỗ trợ người lao động diện này.
Chinhphu.vn