Gửi ý kiến đến sau kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, cử tri tỉnh Hậu Giang và Lạng Sơn kiến nghị xem xét bãi bỏ quy định bắt buộc tham gia bảo hiểm đối với mô tô, xe máy; chỉ nên khuyến khích tham gia bảo hiểm vì hiện nay việc lập thủ tục thanh toán bồi thường khi xảy ra sự cố đối với loại bảo hiểm này khá phức tạp.
Về vấn đề này, Bộ Tài chính trả lời cử tri các tỉnh như sau:
Việc quy định mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc đối với mô tô xe máy là cần thiết và đúng quy định pháp luật, đáp ứng nhu cầu thực tiễn nhằm bảo vệ lợi ích công cộng và an toàn xã hội chung, phù hợp với xu thế chung trên thế giới.
Việc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc đối với chủ xe mô tô, xe máy được căn cứ vào quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Giao thông đường bộ, cụ thể:
- Theo quy định tại Khoản 1, Điều 8 Luật kinh doanh bảo hiểm: "1. Bảo hiểm bắt buộc là loại bảo hiểm do pháp luật quy định về điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu mà tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ thực hiện. Bảo hiểm bắt buộc chỉ áp dụng đối với một số loại bảo hiểm nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng và an toàn xã hội".
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 8 Luật Kinh doanh bảo hiểm, bảo hiểm trách dân sự của chủ xe cơ giới là 1 trong số 4 loại bảo hiểm bắt buộc.
Theo quy định tại Khoản 18, Điều 3 Luật Giao thông đường bộ, xe cơ giới gồm xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện)...
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 58 Luật Giao thông đường bộ:
"2 Người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo giấy tờ sau...
d) Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới".
Theo số liệu thống kê, số vụ tai nạn giao thông do mô tô 2 bánh, xe gắn máy, xe máy chiếm tỷ trọng khoảng 70% trong tổng số vụ tai nạn giao thông đường bộ. Hậu quả tai nạn giao thông đã gây thiệt hại không chỉ đối với nạn nhân (về sức khỏe, tính mạng, tài sản) mà còn đối với chủ xe (chi trả bồi thường, thiệt hại về gián đoạn kinh doanh, chi phi pháp lý...), gây ảnh hưởng chung đến toàn xã hội.
Do đó, nhằm phát huy vai trò, ý nghĩa xã hội và tính chất nhân đạo của bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, từ năm 1988, Chính phủ cũng đã quy định loại hình bảo hiểm này là loại hình bảo hiểm bắt buộc và lần lượt ban hành Nghị định số 30/HĐBT ngày 10/3/1988, Nghị định số 115/1997/NĐ-CP ngày 17/12/1997, Nghị định số 103/2008/NĐ-CP ngày 16/9/2008 và gần đây nhất là Nghị định số 03/2021/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Xuất phát từ lợi ích chung của xã hội cũng như của từng thành viên trong cộng đồng, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (bao gồm xe mô tô, xe máy) được quy định đầu tiên tại Anh quốc năm 1930, theo sau tại Đức năm 1919 và hiện nay được triển khai tại hầu hết các nước trên thế giới, được đánh giá là một trong số các giải pháp hữu hiệu hỗ trợ tài chính giúp cho chủ xe và người bị tai nạn khắc phục thiệt hại nhanh chóng ổn định cuộc sống khi không may xảy ra tai nạn giao thông, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực tế thực hiện thời gian qua; nhằm cắt giảm thủ tục, tăng cường công tác tạm ứng bồi thường, giải quyết bồi thường bảo hiểm và tạo thuận lợi về thực hiện bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, trong đó, bao gồm cả xe mô tô 2 bánh, xe gắn máy cho người dân, ngày 15/1/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 03/2021/NĐ-CP thay thế Nghị định số 103/2008/NĐ-CP.
Theo đó, sửa đổi, bổ sung các quy định về tăng cường công tác tạm ứng bồi thường; cắt giảm hồ sơ bồi thường, đẩy mạnh công tác giải quyết bồi thường; quy định rõ trách nhiệm cung cấp hồ sơ bồi thường bảo hiểm của các bên, thời hạn thanh toán bồi thường.
Mai Chi