In bài viết

Vị trí dẫn đầu thị phần môi giới hàng hóa tại Việt Nam có sự thay đổi

(Chinhphu.vn) - Trong quý III năm 2022, khối lượng giao dịch hàng hóa tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) ghi nhận mức tăng trưởng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này đến từ sự phát triển đồng đều và toàn diện: Quy mô thành viên thị trường, số lượng tài khoản mở mới, các khóa đào tạo từ cơ bản đến nâng cao.

03/10/2022 19:42
Vị trí dẫn đầu thị phần môi giới hàng hóa tại Việt Nam có sự thay đổi - Ảnh 1.

Top 5 thị phần môi giới hàng hóa tại Việt Nam.

Vị trí dẫn đầu thị phần môi giới hàng hóa đổi ngôi

Theo số liệu từ Khối Quản lý giao dịch MXV, Công ty Cổ phần giao dịch hàng hóa Gia Cát Lợi là thành viên có thị phần môi giới giao dịch hàng hóa lớn nhất cả nước trong quý III, chiếm 24,8% tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường. Là một trong những thành viên đầu tiên và có quy mô văn phòng, chi nhánh lớn nhất tại Việt Nam, Gia Cát Lợi cũng ghi nhận số tài khoản giao dịch mở mới nhiều nhất trong quý III. Điều này đã giúp Gia Cát Lợi lấy lại vị trí số 1 về thị phần sau khi bị tụt lại trong quý II vừa qua.

Đứng ở vị trí thứ 2, Công ty Cổ phần giao dịch hàng hóa TPHCM (HCT) hiện đang chiếm 22,9% tổng khối lượng giao dịch. Đứng thứ 3 là Công ty Cổ phần giao dịch hàng hóa quốc tế (MXL) với 14,1% thị phần. Công ty TNHH Đầu tư quốc tế Hữu Nghị (Finvest) và Công ty Cổ phần Saigon Futures lần lượt xếp ở vị trí kế tiếp với 10,5% và 10,3% thị phần môi giới trên cả nước.

Kể từ đầu năm 2022, top 5 thị phần môi giới hàng hóa vẫn là 5 cái tên quen thuộc, chiếm hơn 80% tổng khối lượng giao dịch trên cả nước. Tuy nhiên, thị trường đang chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của nhiều thành viên tiềm năng. Bám sát top 5, Công ty Cổ phần giao dịch hàng hóa VMEX và Công ty Cổ phần giao dịch hàng hóa Đông Nam Á lần lượt nắm giữ 2,6% và 2,4% thị phần môi giới. Các thành viên thị trường khác cũng đã ghi nhận những bước phát triển đáng khích lệ, sẵn sàng cạnh tranh vào top 5 thị phần môi giới hàng hóa tại Việt Nam.

Ông Dương Đức Quang, Phó Tổng Giám đốc MXV đánh giá cao tiềm năng phát triển của thị trường giao dịch hàng hóa, đặc biệt trong bối cảnh nhiều kênh đầu tư truyền thống đang có dấu hiệu chững lại. "Giao dịch T0, cả hai chiều mua và bán, liên thông trực tiếp với thế giới 24 giờ mỗi ngày, cùng các sản phẩm đa dạng, phù hợp với nhiều quy mô vốn khác nhau đang là ưu điểm vượt trội của thị trường giao dịch hàng hóa", ông Quang cho biết.

Vị trí dẫn đầu thị phần môi giới hàng hóa tại Việt Nam có sự thay đổi - Ảnh 2.

Các mặt hàng được giao dịch nhiều nhất tại MXV.

 Các hợp đồng Micro vẫn thu hút dòng tiền lớn

Trong số 42 sản phẩm đang được giao dịch tại MXV, dầu thô WTI Micro vẫn tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu, khi chiếm tới 23% tổng khối lượng giao dịch tại Việt Nam. Tuy mới chỉ được MXV triển khai giao dịch kể từ tháng 11/2021, sản phẩm dầu thô WTI Micro liên thông với sở NYMEX đã thu hút dòng tiền đầu tư rất lớn từ cả nhóm doanh nghiệp và cá nhân. Với những ưu điểm vượt trội như mức ký quỹ thấp, thanh khoản cao, giao dịch liên tục 24 giờ mỗi ngày, thông tin minh bạch; dầu thô WTI Micro đang là lựa chọn hàng đầu trong danh mục của các nhà đầu tư chuyên nghiệp tại Việt Nam. 

Theo ông Dương Đức Quang, giao dịch các hợp đồng Mini và Micro sẽ là xu hướng của thị trường hàng hóa trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng. "Với vai trò là đơn vị tổ chức thị trường giao dịch hàng hóa quy mô quốc gia đầu tiên tại Việt Nam, MXV luôn ghi nhận và tiếp thu những ý kiến từ các thành viên thị trường về nhu cầu của các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong nước. Kết hợp với việc cập nhật xu hướng đầu tư hàng hóa trên thế giới, MXV đã liên tục bổ sung các sản phẩm mới, đặc biệt là các hợp đồng Mini và Micro, nhằm đa dạng hóa danh mục đầu tư cho thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam", ông Quang chia sẻ thêm.

Kể từ đầu tháng 07/2022, MXV đã niêm yết giao dịch thêm 4 sản phẩm trong nhóm kim loại, đều liên thông với Sở Giao dịch COMEX bao gồm: Bạc mini, đồng mini, bạc micro và đồng micro. Trải qua 3 tháng giao dịch, các hợp đồng Micro ngày càng khẳng định sức hút rất lớn đối với các nhà đầu tư. Khối lượng giao dịch đồng micro và bạc micro trong tháng 9 lần lượt tăng 46% và 140% so với đầu tháng 7.

So với mức ký quỹ ban đầu lên tới 5.500 USD/hợp đồng của đồng (COMEX), hợp đồng đồng micro chỉ có mức ký quỹ ban đầu 550 USD/hợp đồng. Nghĩa là với hơn 10 triệu đồng, các nhà đầu tư đã có thể giao dịch mặt hàng hấp dẫn nhất trong nhóm kim loại này. Bên cạnh đó, với mức ký quỹ ban đầu chỉ 1.650 USD/hợp đồng, bạc micro cũng được dự báo sẽ sớm trở thành tâm điểm chú ý của các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Với tốc độ tăng trưởng hiện nay, sẽ không có gì bất ngờ nếu 2 mặt hàng này có vị trí cao trong top 10 sản phẩm được giao dịch nhiều nhất tại thị trường hàng hóa Việt Nam trong quý IV này.

Vị trí dẫn đầu thị phần môi giới hàng hóa tại Việt Nam có sự thay đổi - Ảnh 3.

Tăng trưởng giao dịch các sản phẩm Micro.

Quy mô thành viên phát triển; công tác kiểm tra, giám sát được đẩy mạnh

Để có được kết quả tăng trưởng giao dịch ổn định và bền vững, không thể không nhắc đến sự mở rộng về quy mô và chất lượng của các thành viên thị trường. Trong quý III, MXV đã cấp phép thêm 3 thành viên thị trường (2 thành viên kinh doanh và 1 thành viên môi giới), nâng tổng số thành viên thị trường lên 36. Với các văn phòng và chi nhánh tại khắp các tỉnh, thành trên cả nước, các thành viên là cánh tay nối dài  giúp MXV tổ chức và vận hành thị trường một cách hiệu quả và chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của thành viên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đã được MXV triển khai trong năm 2022. Trong tháng 9, các đoàn kiểm tra của MXV đã làm việc với các thành viên thị trường tại nhiều khu vực trên cả nước. Nhìn chung, các thành viên thị trường đều tuân thủ đúng pháp luật Việt Nam; các quy định, quy trình, quy chế do MXV ban hành; và quy định của các Sở Giao dịch quốc tế liên thông. Một số vi phạm của các thành viên đã được MXV nhắc nhở, xử lý theo đúng quy trình, quy chế hiện hành.

Theo kế hoạch, MXV sẽ sớm triển khai tổ chức đánh giá, xếp hạng thành viên định kỳ hàng năm. Bộ tiêu chí đánh giá thành viên sẽ bao gồm: Tiêu chí an toàn tài chính, tiêu chí hoạt động giao dịch, tiêu chí tuân thủ và tiêu chí minh bạch thông tin. Các tiêu chí này sẽ được đánh giá một cách minh bạch và công bố thông tin rộng rãi đối với toàn thị trường và trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Các thành viên thị trường đều hưởng ứng nhiệt liệt và tin rằng bảng xếp hạng thành viên sẽ tạo động lực giúp thị trường hàng hóa phát triển bùng nổ hơn trong tương lai. Đây cũng là minh chứng cho thấy sự chuyên nghiệp của thị trường giao dịch hàng hóa Việt Nam, tiệm cận với các tiêu chuẩn trên thị trường thế giới.

Hồng Hạnh (Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam)