Đến nay, đã có hàng ngàn người được cấp bằng thạc sĩ theo mô hình này. Nhiều người đã khai vào lý lịch Đảng viên, lý lịch cán bộ là "thạc sĩ quản trị kinh doanh, Brussels, Bỉ".
Qua tra cứu các trang thông tin có liên quan đến UBI, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân biết được ở Vương quốc Bỉ, Hiến pháp cho phép mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền "tự do giáo dục" nhưng chỉ có những cơ quan quản lý giáo dục cộng đồng được Nhà nước thành lập hay thừa nhận, mới có quyền cấp bằng, chứng chỉ. Theo đó, UBI chỉ được sử dụng quyền "tự do giáo dục" nhưng không được phép cấp văn bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ.
Những người được UBI cấp chứng chỉ không được phép học tiếp lên trình độ cao hơn và văn bằng ấy cũng không có giá trị khi xin việc tại Vương quốc Bỉ.
UBI hoạt động ngoài khuôn khổ pháp lý của 3 cơ quan quản lý giáo dục cộng đồng hợp pháp tại Bỉ.
Trong trang thông tin của mình, UBI cũng thừa nhận rằng chỉ có quyền giáo dục và không được phép cấp bằng. Như vậy, có thể thấy, việc liên kết đào tạo giữa Viện Quản trị kinh doanh Brussels, Vương quốc Bỉ với Đại học Quốc gia Hà Nội rồi cấp bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh tại một số địa phương ở Việt Nam trước hết là trái pháp luật của Vương quốc Bỉ, sau nữa là vi phạm các quy định về quản lý giáo dục đào tạo ở Việt Nam.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo giải đáp: “Việc liên kết đào tạo giữa Đại học Quốc gia Hà Nội với Viện Quản trị kinh doanh Brussels, Vương quốc Bỉ đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép chưa? Bằng thạc sĩ Quản trị kinh doanh mà Viện Quản trị kinh doanh Brussels, Vương quốc Bỉ cấp cho nhiều người và được Đại học Quốc gia Hà Nội xác nhận có giá trị không?”.
Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân như sau:
Chương trình liên kết đào tạo giữa Viện Quản trị kinh doanh Brussels, Vương quốc Bỉ (UBI) với Khoa Sau đại học, Đại học Quốc gia Hà Nội đã được Đại học Quốc gia Hà Nội phê duyệt theo đúng thẩm quyền được quy định tại Nghị định số 07/2001/NĐ-CP ngày 1/2/2001 của Chính phủ về Đại học Quốc gia và Quyết định số 16/2001/QĐ-TTg ngày 12/2/2001 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế về tổ chức và hoạt động của Đại học Quốc gia. Theo đó, Đại học Quốc gia Hà Nội được quyền ký kết và thực hiện việc liên kết đào tạo (theo các quy định về liên kết đào tạo với nước ngoài do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định) mà không phải xin phép Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Việc công nhận văn bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh mà UBI cấp cho học viên theo học tại Khoa Sau đại học của Đại học Quốc gia Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin cụ thể như sau:
Tại thời điểm hiện tại, trên trang mạng của UBI cho thấy, UBI không có thẩm quyền cấp văn bằng đại học, thạc sĩ, thạc sĩ quản trị kinh doanh, thạc sĩ quản trị kinh doanh điều hành và tiến sĩ. UBI được phép đào tạo các chương trình này và do trường Đại học Middlesex London, Vương quốc Anh chịu trách nhiệm cấp bằng.
Chương trình liên kết đào tạo của Khoa Sau đại học được Đại học Quốc gia Hà Nội cấp phép từ tháng 9/2002 và dừng tuyển sinh từ tháng 5/2011.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu Đại học Quốc gia Hà Nội cung cấp các cơ sở pháp lý liên quan đến thẩm quyền văn bằng của UBI trong thời gian trên. Tuy nhiên, đến nay Đại học Quốc gia Hà Nội chưa cung cấp thông tin.
Đến thời điểm này, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa đủ cơ sở để công nhận văn bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh do UBI cấp.