In bài viết

Việc hợp pháp hóa lãnh sự các giấy tờ của người nước ngoài

(Chinhphu.vn) – Qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Công ty Luật TNHH Tinh Tế (TPHCM) đề nghị cơ quan chức năng giải đáp một số nội dung về hợp pháp hóa lãnh sự, dịch thuật và chứng thực các giấy tờ trong hồ sơ cấp, cấp lại giấy phép lao động cho người nước ngoài.

27/09/2017 09:02

Theo phản ánh của Công ty Luật TNHH Tinh Tế (TP. Hồ Chí Minh), Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 3/2/2016 quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam có quy định hồ sơ đề nghị cấp và cấp lại giấy phép lao động, trong đó, tại Điểm 3, Khoản 7, Điều 10 của Nghị định quy định: “Đối với người lao động nước ngoài theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 2 Nghị định này phải có văn bản của doanh nghiệp nước ngoài cử sang làm việc tại hiện diện thương mại của doanh nghiệp nước ngoài đó trên lãnh thổ Việt Nam và văn bản chứng minh người lao động nước ngoài đã được doanh nghiệp nước ngoài đó tuyển dụng trước khi làm việc tại Việt Nam ít nhất 12 tháng;...”

Theo đó có thể hiểu "Văn bản của doanh nghiệp nước ngoài cử sang làm việc tại hiện diện thương mại của doanh nghiệp nước ngoài đó trên lãnh thổ Việt Nam thì miễn hợp pháp hóa lãnh sự, nhưng phải dịch ra tiếng Việt và chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam".

Tuy nhiên, khi Công ty đi dịch văn bản ra tiếng Việt và chứng thực theo nội dung Nghị định quy định thì các cơ quan chứng thực, dịch thuật đều yêu cầu phải có hợp pháp hóa lãnh sự mới thực hiện việc chứng thực.

Qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Công ty Luật TNHH Tinh Tế hỏi, Nghị định quy định như vậy thì cơ quan nào thực hiện việc "dịch ra tiếng Việt và chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam" mà không phải hợp pháp hóa lãnh sự?

Trường hợp không có cơ quan nào thực hiện việc đó, Công ty kiến nghị Chính phủ bỏ nội dung trên để tránh hiểu lầm và gián đoạn thời gian đăng ký giấy phép lao động cho người nước ngoài.

Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:

Theo quy định tại Điểm b, Khoản 9, Điều 10 và Khoản 4, Điều 14 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 3/2/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam thì các giấy tờ quy định tại Khoản 7, Điều 10 và Khoản 3, Điều 14 của Nghị định nêu trên nếu của nước ngoài thì miễn hợp pháp hóa lãnh sự, nhưng phải dịch ra tiếng Việt và chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Việc hợp pháp hóa lãnh sự các giấy tờ của người nước ngoài, dịch và chứng thực được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/2/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng giao dịch và Thông tư số 20/2015/TT-BTP ngày 29/12/2015 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP nêu trên.

Chinhphu.vn