Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7. Ảnh: VGP |
Bắt đầu phiên họp đầu tiên của Chính phủ mới bằng lời chúc ngắn gọn và yêu cầu không tặng hoa, Thủ tướng đi ngay vào công việc và đề cập đến những chuyện cụ thể, bức xúc.
“Vấn đề an toàn thực phẩm cơ chế đến đâu, thực hiện đến đâu thì phải kiểm tra. Hay việc thực hiện chỉ đạo dừng khai thác rừng tự nhiên như thế nào, vụ chặt gỗ rừng pơ mu ở Quảng Nam đã khởi tố được cá nhân nào chưa? Hay tòa nhà 8B Lê Trực, Hà Nội xử lý đến đâu, tại sao? Không lẽ giữa Thủ đô như vậy, hai nhiệm kỳ Chính phủ xử lý không được?”, Thủ tướng thẳng thắn nêu vấn đề với các thành viên Chính phủ.
“Ngành y tế, ngành lâm nghiệp, ngành công thương vừa qua có nhiều sự việc. Bảy, tám trăm giấy phép thủy sản sai, phân bón, thuốc trừ sâu…. Tôi nhiều khi gọi điện anh Cường, tôi, anh Cường mất ngủ mấy lần về những vấn đề nông nghiệp của Việt Nam chúng ta”, ông chia sẻ.
Phát biểu mang tính “tổng kết” cuộc họp báo Chính phủ đầu tiên trong nhiệm kỳ mới, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đã nhắc lại những vấn đề nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận, qua các câu hỏi của phóng viên. Đó là việc đề bạt, bổ nhiệm, thuyên chuyển ông Trịnh Xuân Thanh; sự cố môi trường tại 4 tỉnh ven biển miền Trung; việc mua 95% cổ phần AVG của Mobifone; các vụ việc khác như quán cà phê Xin Chào, việc xử lý nghiêm vi phạm tại công trình 8B Lê Trực…
“Có thể nói sự chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư, tập thể Bộ Chính trị, người đứng đầu Chính phủ và tập thể Thường trực Chính phủ đã đưa ra thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thực thi công vụ. Mọi vi phạm đều phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ là không có vùng cấm trong xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm. Tất cả các tổ chức, cá nhân vi phạm đều sẽ bị xử lý nghiêm minh, công khai trước nhân dân”, Bộ trưởng nói.
Nhưng người dân không chỉ quan tâm tới những vụ việc cụ thể. Có những vấn đề đã gây bức xúc trong dư luận, trong nhân dân đã từ lâu, như những bất cập trong công tác cán bộ, sử dụng con người, trong công tác phòng chống tham nhũng, tình trạng sử dụng lãng phí tiền thuế của nhân dân, tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm… Bao trùm hơn tất cả, là vấn đề tinh thần trách nhiệm của các Bộ trưởng, của các cán bộ, công chức, về hiệu lực hiệu quả của bộ máy chính quyền, về xây dựng thể chế.
Ngay tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021, Thủ tướng đã nhấn mạnh nhiệm vụ của các thành viên Chính phủ về các vấn đề nói trên. Ngay từ khi nhậm chức cách đây 4 tháng, ông đã liên tục chỉ đạo và có hành động cụ thể nhằm giải quyết những vấn đề trên, nhưng nay, ông tiếp tục xác định đây sẽ là những trọng tâm phải giải quyết trong suốt chặng đường 5 năm tới của Chính phủ.
Thực tế cho thấy, Thủ tướng đã đề cập tới những vấn đề quốc kế dân sinh được người dân quan tâm nhất. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri ngay sau phiên họp Chính phủ tháng 7 và cũng là ngay sau kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV, nhiều cử tri bày tỏ tâm đắc với những yêu cầu từ người đứng đầu Chính phủ.
Ở chiều ngược lại, sau khi nghe những bài phát biểu được chuẩn bị trước của cử tri, Thủ tướng bày tỏ muốn được nghe người dân nói thêm. Ông nhấn mạnh: “Đây là tiếp xúc cử tri, tôi muốn nghe thêm nhiều ý kiến, để nắm được những bức xúc của cử tri, hơi thở cuộc sống. Vấn đề phòng chống tham nhũng, tiêu cực thế nào, an toàn vệ sinh thực phẩm ra sao, những vấn đề lớn của thành phố ra sao? Tôi muốn nghe những ý kiến trực tiếp. Chính phủ phải làm gì, Quốc hội phải làm gì”.
Trước tất cả những vấn đề nói trên, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần “chỉ bàn tiến, không bàn lùi” và gương mẫu, trách nhiệm, tận tụy, nói đi đôi với làm và làm đến cùng. Chắc hẳn những người quan tâm theo dõi phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ không thể quên những hình ảnh ông ví von tại phiên họp Chính phủ và tại cuộc tiếp xúc cử tri: “Ta đã bắn chỉ thiên quá nhiều, không trúng vào ai cả, bây giờ phải bắn có địa chỉ"; “muốn xóa bỏ con đường ngắn nhất là từ dạ dày đến nghĩa trang thì phải xóa bỏ con đường dài nhất từ lời nói đến việc làm”; “chúng ta tìm người tài chứ không phải tìm người nhà”...
“Vận nước như mây quấn” (*). Những vấn đề quốc kế dân sinh nóng bỏng đang đặt ra trên bàn nghị sự của Chính phủ, của Thủ tướng và nếu không giải quyết bằng được thì có thể làm xói mòn, phai nhạt niềm tin của nhân dân. Đã đến lúc chúng ta không thể tiếp tục tư duy cũ, cung cách làm việc cũ, không kịp thời, không quyết liệt, không đi đến cùng vấn đề, không truy trách nhiệm cụ thể.
Nhắn nhủ tới các thành viên Chính phủ, Thủ tướng đã cho rằng điều hành hành chính thì phải tuân thủ kỷ cương, phép nước nhưng cùng với đó, ông muốn phát huy tối đa dân chủ, thúc đẩy tinh thần tự giác và tạo nguồn cảm hứng cho các thành viên Chính phủ. Người dân trông đợi cả bộ máy công quyền sẽ thực hiện nghiêm túc yêu cầu đó của Thủ tướng, vừa bảo đảm kỷ cương, kỷ luật, vừa với nguồn cảm hứng mới để xây dựng đất nước, phục vụ nhân dân với tinh thần trách nhiệm cao nhất, trí tuệ cao nhất.
Hà Chính
(*) Câu mở đầu bài thơ nổi tiếng “Quốc tộ” (Vận nước) của Thiền sư Pháp Thuận thời Tiền Lê. Bài thơ là câu trả lời của Thiền sư với Hoàng đế Lê Hoàn khi được hỏi "Vận nước ngắn dài thế nào?"