Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện được xem xét tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách diễn ra vào chiều 7/9.
Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, có 87 lượt ý kiến phát biểu thảo luận ở tổ và ở hội trường.
Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành về sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung chủ yếu của dự thảo Luật.
Ngay sau kỳ họp, trên cơ sở ý kiến của các vị ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan quán triệt, bám sát các mục tiêu chính sách, quan điểm và yêu cầu đối với dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3; tiếp tục tổ chức khảo sát, hội thảo, tọa đàm để có thêm cơ sở lý luận, thực tiễn hoàn thiện dự thảo Luật.
Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự thảo Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) cho rằng, đây là dự án Luật có tính chuyên ngành sâu, phức tạp, một số vấn đề mới chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn tại Việt Nam.
Việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật đã được tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng; xem xét, đánh giá kỹ các chính sách một cách toàn diện, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; chỉ những vấn đề đã rõ, được thực tiễn chứng minh thì quy định trong Luật; những vấn đề mới, chưa được kiểm nghiệm, cần điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong từng giai đoạn thì quy định nguyên tắc trong Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết.
Ông Lê Quang Huy cho hay, so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý đã bổ sung thêm 2 điều; sửa đổi, bổ sung thêm 4 điều; đồng thời sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 64 Luật Xử lý vi phạm hành chính và Phụ lục 4 Luật Đầu tư để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Đề cập đến các nội dung cụ thể về quy định giới hạn tổng độ rộng băng tần thông tin di động một doanh nghiệp được cấp phép sử dụng (khoản 3 Điều 1 dự thảo Luật), ông Lê Quang Huy cho hay, có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định này, làm rõ việc giới hạn có làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường, gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp, quyền lợi của người dân trong việc lựa chọn doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và sử dụng dịch vụ mạng thông tin di động hay không. Có ý kiến đề nghị bổ sung, làm rõ nguyên tắc, yêu cầu, điều kiện để xác định hạn mức sử dụng băng tần nhằm bảo đảm phù hợp với Hiến pháp 2013 và Luật Cạnh tranh về quyền tự do kinh doanh, quyền tự do cạnh tranh của doanh nghiệp.
Thường trực Ủy ban KH,CN&MT cho rằng, băng tần dành cho thông tin di động là hữu hạn. Nếu không giới hạn tổng độ rộng băng tần thông tin di động mà một doanh nghiệp được sử dụng thì với phương thức cấp phép thông qua đấu giá và cho phép chuyển nhượng có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế mạnh sẽ thâu tóm lượng lớn tần số, các doanh nghiệp khác bị ảnh hưởng, có thể dẫn đến tình trạng độc quyền, làm giảm, thậm chí triệt tiêu tính cạnh tranh của thị trường.
Quy định giới hạn tổng độ rộng băng tần thông tin di động được cấp phép áp dụng với mọi doanh nghiệp. Do đó, không gây bất bình đẳng đối với một doanh nghiệp cụ thể nào, không làm giảm sức cạnh tranh của thị trường và cũng không ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân khi lựa chọn doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, không cản trở quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh của doanh nghiệp, không trái với khoản 2 Điều 14 và Điều 33 Hiến pháp năm 2013, Luật Cạnh tranh.
Theo kinh nghiệm của 22 quốc gia thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), có 19/22 quốc gia (chiếm 86%) quy định giới hạn băng tần thông tin di động một doanh nghiệp được cấp.
Vì vậy, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đề nghị cho giữ quy định này như dự thảo Luật.
Về cấp lại giấy phép sử dụng băng tần (khoản 10 Điều 1 dự thảo Luật), một số ý kiến đề nghị làm rõ tại sao có quy định các mốc thời gian doanh nghiệp phải nộp đề nghị cấp lại là 3 năm và 6 tháng; có thể nâng từ 3 năm lên thành 5 năm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động phương án kinh doanh không; có ý kiến đề nghị xem xét thời hạn cấp lại để tránh tình trạng giấy phép hết hạn rồi nhưng thủ tục cấp lại vẫn chưa kịp...
Thường trực Ủy ban KH,CN&MT cho rằng, dự thảo Luật đã tiếp thu các ý kiến của ĐBQH để quy định rõ việc cấp lại giấy phép sử dụng băng tần và các điều kiện để cấp lại giấy phép sử dụng băng tần. Đồng thời, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã quy định rõ trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông phải thông báo quy hoạch băng tần chậm nhất 3 năm trước ngày giấy phép sử dụng băng tần hết hiệu lực. Đây là khoảng thời gian đủ dài, đảm bảo doanh nghiệp còn có thời gian để thực hiện chuyển đổi mạng lưới và khách hàng nếu băng tần không được cấp lại.
Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, dự thảo Luật đã sửa đổi quy định mốc thời gian doanh nghiệp phải nộp đề nghị cấp lại là 3 năm và 6 tháng tại Khoản 10 Điều 1.
Tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về các nội dung quan trọng trong dự thảo luật; làm rõ các nội dụng về quan điểm, mục tiêu, yêu cầu đặt ra khi xây dựng luật, điều kiện về hồ sơ dự án Luật. Đồng thời, các đại biểu cũng thảo luận về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau liên quan đến: Quy định giới hạn độ rộng băng tần thông tin di động của một doanh nghiệp được cấp phép sử dụng; các phương thức cấp phép sử dụng tần số vô tuyến điện; việc sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ cho quốc phòng, an ninh kết hợp phát triển kinh tế...
Nguyễn Hoàng