Hiện ông Ngọc chỉ còn bản gốc giấy chứng nhận bị thương ở Viện Quân đoàn 4 thuộc Sư đoàn 9; Bằng khen của Bộ Quốc phòng, đã được hưởng chế độ theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg. Ông Ngọc làm hồ sơ xin xét duyệt chế độ thương binh, Ban chỉ huy quân sự TP. Phủ Lý yêu cầu phải có bản gốc quyết định phục viên mới chấp nhận hồ sơ.
Ông Ngọc hỏi, trường hợp của ông phải làm như thế nào?
Về vấn đề này, Bộ Quốc phòng trả lời như sau:
Hiện nay việc xác lập hồ sơ đề nghị giám định thương tật, giải quyết chế độ thương binh đối với người bị thương còn lưu giữ được các giấy tờ có ghi vết thương thực thể (giấy chứng nhận bị thương, giấy ra viện, phiếu chuyển thương…) được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 202/2013/TT-BQP ngày 7/11/2013 của Bộ Quốc phòng hướng dẫn về trình tự, thủ tục xác nhận; tổ chức thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng thuộc trách nhiệm của Bộ Quốc phòng.
Tại Điểm d, Khoản 5, Điều 11 Thông tư số 202/2013/TT-BQP quy định, đối với người bị thương đã chuyển ra ngoài Quân đội chưa được giám định thương tật, trong hồ sơ đề nghị phải có: "Bản sao có chứng thực quyết định phục viên, xuất ngũ, chuyển ngành, hưu trí, thôi việc. Trường hợp không còn quyết định thì phải có giấy xác nhận của Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện về thời gian công tác trong Quân đội".
Trường hợp ông Đỗ Đức Ngọc còn giấy chứng nhận bị thương gốc, không còn quyết định phục viên, đề nghị ông liên hệ với Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện khi về phục viên để được xem xét, cấp giấy xác nhận về thời gian công tác trong Quân đội theo quy định.
Chinhphu.vn