In bài viết

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam sắp xếp, tinh gọn bộ máy phù hợp với định hướng phát triển

(Chinhphu.vn) - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tiến hành rà soát, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế và định hướng phát triển thành trung tâm nghiên cứu trọng điểm, ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

31/12/2024 14:01
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam sắp xếp, tinh gọn bộ máy phù hợp với định hướng phát triển- Ảnh 1.

TS. Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Ngày 31/12, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2025.

Báo cáo của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho thấy, năm 2024, Viện Hàn lâm và các đơn vị thuộc, trực thuộc đã chủ động, tích cực tổ chức triển khai các nhiệm vụ công tác và đạt được những kết quả nổi bật.

Trong đó, Viện Hàn lâm đã hoàn thành đúng tiến độ việc xây dựng phương án và kế hoạch sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với cắt giảm đầu mối bên trong, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của một số đơn vị theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo của Chính phủ về Tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW. Dự kiến, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam sẽ giảm 12 đầu mối trực thuộc, từ 38 đơn vị xuống còn 26 đơn vị.

Bên cạnh đó, năm 2024, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của Trung ương, Chính phủ và các cơ quan hoạch định chính sách, Viện Hàn lâm đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng của hoạt động tư vấn chính sách.

Chất lượng của các Báo cáo định kỳ về “Một số vấn đề nổi bật của kinh tế thế giới và Việt Nam” được cải thiện. Đặc biệt, thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2024, từ tháng 3/2024, Viện Hàn lâm đã gửi Báo cáo phân tích, dự báo tình hình và tư vấn chính sách phát triển kinh tế - xã hội phục vụ phiên họp thường kỳ hàng tháng của Chính phủ, bảo đảm tiến độ, chất lượng. 

Ngoài ra, Viện Hàn lâm còn có 21 báo cáo chuyên đề cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước với những chủ đề thời sự, thiết thực trong nhiều lĩnh vực, đề xuất nhiều kiến nghị, giải pháp thiết thực cho công tác hoạch định chính sách của Đảng, Nhà nước, tăng cường quan hệ hợp tác với các nước. Điển hình là các báo cáo về về tình hình quan hệ giữa Việt Nam với một số quốc gia, về giải pháp phát triển du lịch Halal ở Việt Nam...

Công tác nghiệm thu hệ đề tài/nhiệm vụ cấp cơ sở năm 2024 tại các đơn vị đã được tiến hành nghiêm túc với tổng số đề tài/nhiệm vụ đã nghiệm thu là 375/378 đề tài/nhiệm vụ.

Hoạt động công bố quốc tế tiếp tục được các Viện Hàn lâm và các Viện nghiên cứu chuyên ngành chú trọng, đẩy mạnh với tổng số 122 bài công bố trên các tạp chí quốc tế, 93 bài đăng trên các tạp chí thuộc danh mục ISI và Scorpus.

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam sắp xếp, tinh gọn bộ máy phù hợp với định hướng phát triển- Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đánh giá, năm 2024, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã nỗ lực triển khai nhiều nhiệm vụ nghiên cứu lớn, trong đó có nhiều nhiệm vụ được nghiên cứu theo yêu cầu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cũng như việc triển khai các chương trình KH&CN cấp quốc gia, cấp bộ.

Đặc biệt, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã ban hành Quy chế quản lý hoạt động khoa học trong năm 202,  làm căn cứ quan trọng để xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học. Sự phối hợp giữa Viện Hàn lâm Khoa học xã hội và Bộ KH&CN được triển khai hiệu quả thông qua cơ chế Hội nghị 4V1M hằng năm và các hoạt động chuyên môn về tổ chức các nhiệm vụ nghiên cứu.

Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, thời gian tới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cần phát huy vai trò là cơ quan nghiên cứu lớn của đất nước, là cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện chức năng nghiên cứu những vấn đề cơ bản về khoa học xã hội; cung cấp luận cứ khoa học cho Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định đường lối, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển nhanh và bền vững của đất nước, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa; tư vấn về chính sách phát triển, đào tạo nhân lực có trình độ cao về khoa học xã hội.

Trong năm 2025, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cần tích cực tham gia đóng góp ý kiến, phục vụ công tác xây dựng Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV. Tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn đối với các đề án trọng điểm quốc gia. Nâng cấp các tạp chí khoa học, chú trọng việc sớm có phiên bản tiếng Anh, đồng thời xây dựng lộ trình cụ thể để các tạp chí trong danh mục tạp chí quốc tế có uy tín...

Đề cập đến Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh: "Đây thực sự là động lực cho sự phát triển KH&CN của đất nước trong thời gian tới. Trách nhiệm triển khai Nghị quyết 57 là trách nhiệm chung của toàn ngành KH&CN, trong đó có Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam".

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam sắp xếp, tinh gọn bộ máy phù hợp với định hướng phát triển- Ảnh 3.

Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2025 Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam- Ảnh: VGP/Hoàng Giang

TS. Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, trong năm 2025, Viện Hàn lâm sẽ tập trung hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai thực hiện hiệu quả “Đề án tăng cường năng lực, xây dựng Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thành trung tâm nghiên cứu trọng điểm, ngang tầm các nước tiên tiến trên thế giới”, gắn với chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức của Viện Hàn lâm.

Đồng thời đổi mới tư duy, đổi mới phương thức quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học; chủ động, kịp thời phát hiện những điểm nghẽn về cơ chế, chính sách để tham mưu cho Đảng, Nhà nước giải pháp tháo gỡ. Tăng cường liên kết, chia sẻ thông tin, phối hợp công tác với các cơ quan, bộ, ngành, địa phương; từng bước xây dựng mạng lưới trong nước và quốc tế các cơ sở nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn...

Hoàng Giang