In bài viết

Viện Toán cao cấp: 651 tỷ đồng không phải kinh phí “khủng”

GS.TSKH Lê Tuấn Hoa, Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu cao cấp về Toán vừa cho biết cụ thể về khoản kinh phí “650 tỷ đồng dành cho Viện nghiên cứu cao cấp về Toán”, thông tin được dư luận quan tâm thời gian qua.

04/02/2012 14:38

GS.TSKH Lê Tuấn Hoa, Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu cao cấp về Toán

GS Lê Tuấn Hoa cho biết, thực chất kinh phí là 651 tỉ đồng chứ không phải là 650 tỉ đồng nhưng là cho toàn bộ Chương trình toán học trong 10 năm. Trong số này, dự kiến dành cho Viện nghiên cứu cao cấp về toán là khoảng 50%. Thế nhưng số tiền 651 tỉ đồng có được cấp hết hay không, hay như Viện có nhận được 50% số kinh phí này hay không còn phụ thuộc vào quá trình triển khai.

Như vậy, theo lí thuyết, bình quân mỗi năm Viện được hơn 30 tỉ đồng.  Nhưng trong năm 2011, Viện hoạt động được nửa năm cũng chỉ nhận được chưa đến 4 tỉ đồng. Hay như năm 2012, chỉ được khoảng 15 tỉ đồng. “Nói là tự chủ, tự quyết nhưng Nhà nước cấp tiền dựa trên những kế hoạch cụ thể của Viện với những kế hoạch hoạt động và dự toán cụ thể, được Bộ Giáo dục và Đào tạo duyệt và giám sát chặt chẽ, chứ không phải cứ nói cần 60 tỉ đồng là được cấp ngay 60 tỉ đồng”, GS cho biết.

Theo GS, số tiền này không lớn. “Nếu tính ra cho từng năm thì số tiền cũng không hơn gì một viện nghiên cứu bình thường là bao nhiêu. Quan trọng là tiền này dùng để làm gì. Chúng tôi có quyền tự chủ quyết định các hoạt động nghiên cứu khoa học; quyết định tuyển chọn và tài trợ cho các nhà khoa học đến Viện làm việc. Thực chất ban đầu chúng tôi viết chương trình xin Nhà nước cấp là 1.000 tỉ đồng nhưng sau nhiều lần phản biện từ các cấp khác nhau, số tiền được phê duyệt xuống còn 651 tỉ đồng. Nếu tính ra số tiền này chưa bằng 6,5km đầu tư làm đường cao tốc. Và chưa chắc số kinh phí này đã được cấp hết. Thế nhưng có nhiều luồng ý kiến so sánh con số này với các đầu tư khác khiến nhiều người hiểu lầm”.

Nếu so với các viện nghiên cứu về toán của quốc tế sẽ thấy kinh phí của Việt Nam dành cho Viện ít hơn rất nhiều. Cao nhất là Hàn Quốc dành cho Viện nghiên cứu cao cấp (gồm 3 ngành: Toán, Lí và Khoa học máy tính) của họ hơn 20 triệu USD cho năm 2011, còn Việt Nam năm 2012 sẽ chỉ là 700.000 USD/năm. Pakistan và Malaysia cấp cho hai viện Toán của họ (chưa phải cấp quốc gia) cũng hơn số tiền đó. Những thông tin này đã được các viện trưởng của các viện báo cáo tại Hội thảo ngay trước lễ ra mắt quốc tế của Viện vào giữa tháng Giêng vừa qua.

GS cho biết, không phải Nhà nước chỉ dành tiền đầu tư cho Toán học. Từ hơn 10 năm trước, Nhà nước đã đầu tư cho 9 chương trình khoa học trọng điểm quốc gia. Nhiều ngành khoa học cơ bản không được đề tên trực tiếp, nhưng đã hưởng khá nhiều kinh phí từ các chương trình này. Số tiền dành cho các chương trình này lớn hơn nhiều so với cho Chương trình Toán và hiện vẫn đang tiếp tục.

Tự chủ cao, trách nhiệm nặng nề

Được Chính phủ giao quyền tự chủ cao, GS Lê Tuấn Hoa cho rằng, quyền tự chủ cao không có nghĩa là Viện không phải làm bất cứ nhiệm vụ gì. Ngược lại, Viện có một trách nhiệm hết sức nặng nề.

Trong Quy chế về Tổ chức và hoạt động của Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán đã ghi rất rõ chức năng và nhiệm vụ đã được Thủ tướng ký. Quy chế này ai cũng có thể vào Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ để tìm hiểu.

Lãnh đạo Viện, với sự hỗ trợ của Hội đồng khoa học và Ban cố vấn,  phải có trách nhiệm xác định những nhiệm vụ cụ thể của từng năm để được cấp kinh phí và nhằm thực hiện mục tiêu đã được đề ra trong Quy chế.

Tạo môi trường, sức sống mới

GS Lê Tuấn Hoa cho biết, dù có một số hoạt động từ năm ngoái, nhưng chủ yếu 7 tháng qua là giai đoạn chuẩn bị. Năm nay Viện mới đi vào hoạt động chính thức. Ban lãnh đạo Viện cũng xác định trong khoa học cần hết sức khiêm tốn. Để lấy được niềm tin của xã hội, cần phải bằng việc làm cụ thể, chứ không phải bằng những hứa hẹn hay quảng bá rầm rộ. Dù rằng trong từng giai đoạn, Viện luôn xây dựng chương trình hoạt động dài hơi, cũng như những hoạt động cụ thể,  nhưng trong quá trình hoạt động cũng sẽ điều chỉnh dần để làm thế nào đó đạt được nhiệm vụ lớn đã ghi trong Quy chế. Có nghĩa là trong quá trình triển khai không được phép cứng nhắc. Mục đích cấp bách đầu tiên là nâng cao năng lực nghiên cứu của một nhà toán học có triển vọng. Trên cơ sở đó sẽ thực hiện tiếp các nhiệm vụ khác, theo kiểu lan tỏa dần.

“Chúng tôi sẽ hướng tới một số điểm mũi nhọn trong toán học đã có tiềm lực để nghiên cứu và phát triển cao thêm. Đồng thời cũng không quên việc nếu có điều kiện sẽ phát triển các ngành mới”, GS nói. Ông lấy ví dụ, chương trình nghiên cứu của GS Ngô Bảo Châu hiện nay đang được thực hiện ở nước ngoài, nay sẽ hy vọng mang được một phần về Việt Nam để nghiên cứu tiếp. Nếu thành công, đây sẽ là một điểm hấp dẫn trên bản đồ Toán học thế giới. Hay như trường phái về lý thuyết tối ưu mà GS Hoàng Tụy là người đầu ngành nghiên cứu từ lâu, nhưng đang có nguy cơ bị tan biến vì lực lượng trẻ ít quan tâm tới. Do vậy phải tìm cách để duy trì, nếu không sẽ là mất mát to lớn của Việt Nam…

So với Viện Toán của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, GS Lê Tuấn Hoa cho biết, Viện này khác về căn bản. Ở đây người đến làm nghiên cứu chỉ là thời gian ngắn, có người chỉ là 2-3 tháng, dài lắm là một năm nên mối tương tác rộng thay vì biên chế cố định như ở Viện Toán.  Trong từng thời điểm 2-6 tháng một, Viện  nghiên cứu cao cấp về Toán sẽ chỉ tập trung vào một số ít đề tài nghiên cứu với hy vọng tạo được bước tiến rõ rệt.

Sau đó các nhà khoa học lại trở về nơi làm việc cũ của mình và làm nòng cốt cho các nhóm nghiên cứu ở đó.

Như vậy, kinh phí dành cho Viện toán cao cấp sẽ dành chủ yếu cho các nhà khoa học từ mọi nơi đến nghiên cứu chứ không phải là trả lương cho nhân viên biên chế của Viện. Thành tích nghiên cứu của Viện NCCC Toán phụ thuộc vào toàn cộng đồng Toán học Việt Nam.

Hỗ trợ để làm toán chứ không phải làm giàu

Hiện Ban giám đốc của Viện đang tìm kiếm các khu nhà trong dân, thuận lợi, tiện nghi nhưng giá rẻ để có thể tiết kiệm, mời được nhiều người đến đây làm việc. Ngoài ra, Viện sẽ tạo điều kiện phòng làm việc tương ứng với điều kiện trung bình của một số nơi trên thế giới (gần 20m2 dành cho 2 người) với bàn ghế làm việc, máy tính…; sẽ trả tiền vé đi lại (cho những người làm việc từ 2 tháng trở lên). Những người đến làm việc cũng sẽ được trả thù lao tương xứng để họ có thể yên tâm nghiên cứu. Phải khẳng định chúng tôi sẽ hỗ trợ đủ để các nhà khoa học làm toán chứ không phải làm giàu - GS Lê Tuấn Hoa cho biết.

(Viện Toán cao cấp: 651 tỷ đồng có phải là kinh phí “khủng”? – Báo Đất Việt ngày 2/2)