Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Lật trang sử xa xưa của Việt Nam hay Campuchia đều thấy ghi chép về mối lương duyên Công nữ Ngọc Vạn tạo nên thông hiếu quốc gia từ hồi đầu thế kỷ XVII. Thế nên, khi Đàng Trong của các Chúa Nguyễn bên này khai phá mở mang, thì Chân Lạp của Quốc vương Chey Chetta II bên kia cũng cùng chia sẻ. Mấy trăm năm của thế kỷ XVII-XVIII ấy, Đại Việt tiếp tục chung vách núi Trường Sơn và chung dòng nước Mekong-Cửu Long với những người anh em trên bán đảo một cách tự nhiên và bình yên.
Thuở “tối lửa tắt đèn có nhau” thế kỷ XIX khi các dân tộc trên bán đảo Đông Ấn mấy chục năm chống chủ nghĩa thực dân phương Tây, người Việt Nam lúc ấy luôn có bên cạnh những người anh em láng giềng Campuchia và Lào chung số phận bị ngoại bang xâm chiếm làm thuộc địa. Đến tận thế kỷ XX cũng vậy, 3 dân tộc chung một con đường giải phóng và chung một chiến hào chống xâm lược.
Thật hiếm có liên minh dân tộc-quốc gia nào trong khu vực và trên thế giới có sự phối hợp chặt chẽ, giúp đỡ lẫn nhau chống kẻ thù chung lâu dài và căn cơ như liên minh chiến đấu đặc biệt Việt Nam-Campuchia-Lào. Chỉ 5 năm lúc chiến tranh leo thang đến mức cao nhất (1965-1970), Việt Nam, Campuchia, Lào đã 2 lần Hội nghị cấp cao nhân dân 3 nước Đông Dương bàn về phối hợp chiến đấu chống kẻ thù chung.
Bây giờ đã có nhiều hiệp ước, hiệp định, thỏa thuận song phương Việt Nam-Campuchia, Việt Nam-Lào được ký kết. Hằng năm đã có nhiều phái đoàn các cấp thăm viếng, trao đổi quốc gia và địa phương. Ở mỗi quốc gia hiện đã có hàng chục vạn người dân hai nước bạn công tác, học tập, sinh sống…
Mỗi quốc gia đều trải qua nhiều thời kỳ lịch sử có thăng trầm, nhưng rốt cục vẫn không thể thay đổi được nhu cầu chung là hòa bình, ổn định, hữu nghị và hợp tác, không thể thiếu được tình cảm và quan hệ chung là láng giềng thân thiện, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau.
Gọi là thăng trầm lịch sử, nhưng thực ra đều do các thế lực và nhân tố bên ngoài tác động vào là chính, lại thêm những kẻ xúi giục kích động gây hiềm khích âm ỉ hay nhất thời vậy thôi. Trong đời sống chính trị mỗi quốc gia thời cận và hiện đại vẫn thường có những thử thách và cơ hội cho việc củng cố quan hệ ngoại giao toàn diện và bền chặt là thế; lãnh đạo cấp cao, lãnh đạo Trung ương và lãnh đạo địa phương các vùng biên giới 3 nước Việt Nam, Campuchia, Lào thường xuyên qua lại với nhau, đã dần dần hóa giải hết mọi cản trở vướng mắc, gỡ hết tiềm ẩn mâu thuẫn, sao cho chỉ còn lại hữu nghị và hợp tác.
Thăm viếng là hoạt động bình thường nhất của những lân bang, trong đó thăm viếng của lãnh đạo cấp cao bao giờ cũng là sự kiện trọng đại của lịch sử ngoại giao mỗi nước.
Quan hệ Việt Nam-Lào (từ 1962), Việt Nam-Campuchia (từ 1967) đều đã có ít nhất trên nửa thế kỷ ngoại giao và hợp tác, những chuyến thăm của nguyên thủ quốc gia vẫn thường đem lại giá trị lịch sử nhiều mặt cho chính phủ và nhân dân mỗi nước.
Hợp tác Việt Nam-Campuchia-Lào là hợp tác toàn diện và đầy đủ trên nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng… Hợp tác khá chặt chẽ và hiệu quả, góp phần vào sự phát triển ổn định và vững chắc của mỗi nước, song không vì thế mà gây lệ thuộc cho nhau và làm khó cho đường lối độc lập tự chủ của mỗi nước.
Xếp hàng đầu bây giờ vẫn là hợp tác kinh tế và đầu tư phát triển. Mặc dù 3 nước có lịch sử và trình độ phát triển không giống nhau, dân số và điều kiện tự nhiên khác nhau, nhưng suy cho cùng Việt Nam, Campuchia, Lào vẫn có căn bản một vận mệnh lịch sử trên cùng một bán đảo có vị trí địa-chính trị phức tạp, chịu ảnh hưởng nhiều của quan hệ quốc tế giữa các nước lớn có nhiều tham vọng. Núi liền núi, sông liền sông trong thời buổi biến đổi khí hậu và lợi ích các quốc gia dân tộc chi phối mạnh mẽ, chắc chắn đòi hỏi cả 3 quốc gia láng giềng phải có những lợi ích chung, trước hết là về kinh tế, làm cơ sở cho những lợi ích chung về chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen cắt băng khánh thành Cầu Long Bình-Chrey Thom. Ảnh: Báo Nhân Dân |
Đã qua rồi thời phân chia khu vực thành ASEAN lục địa và ASEAN hải đảo. Nay đã là thời xây dựng cộng đồng ASEAN với 4 trụ cột căn bản có nhiều triển vọng lạc quan; cũng đã vào thời tam giác chiến lược Việt Nam-Lào-Campuchia có tổng cộng hơn 4.100 cây số biên giới được hoạch định đầy đủ và hoàn chỉnh… Nhưng không vì thế mà thiếu cảnh giác và chậm nhạy cảm với những diễn biến khó lường từ nhiều âm mưu toan tính của các thế lực thù địch và phá hoại. Mỗi diễn biến tích cực hay tiêu cực ở mỗi nước đều ảnh hưởng trực tiếp đến diễn biến hai nước bạn và vì thế đều ảnh hưởng đến lợi ích chung của nhau.
Lãnh đạo cấp cao đi thăm nước bạn, dù là chuyến thăm thường kỳ hay đột xuất, là thêm một diễn biến tích cực cho lợi ích chung, bởi sẽ có thêm những ký kết hợp tác, thêm những cơ hội cho đầu tư và tăng cường hòa bình ổn định phát triển, thêm cơ sở cho những hiểu biết và cảm thông, chia sẻ giữa nhân dân hai nước.
Cũng sẽ có thêm nhiều hình ảnh tươi đẹp và tiêu biểu về sự gặp gỡ và hội đàm giữa các Thủ tướng được truyền thông truyền đi khắp thế giới. Hy vọng đó sẽ là những thông điệp rõ ràng và cụ thể nhất, sinh động nhất về quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam-Campuchia và Việt Nam-Lào, về sự tồn tại hài hòa trong thực tế lợi ích quốc gia dân tộc với lợi ích chung giữa 3 dân tộc vốn có chung vận mệnh lịch sử từ hàng trăm năm nay.
PGS.TS. Hà Minh Hồng
(Đại học KHXH&NV- ĐHQG TPHCM )