Tại Việt Nam, hệ sinh thái hỗ trợ các tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội (SIB) đang phát triển nhanh chóng và sôi động, ước tính có khoảng 27.000 SIB. Tuy nhiên, các SIB vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong nỗ lực thực hiện cả hai mục tiêu tạo ra lợi nhuận đồng thời với tạo tác động tích cực cho xã hội và môi trường.
Trong và sau đại dịch COVID-19, các SIB tại Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức, đó là năng lực quản lý hạn chế, thiếu khung đo lường tác động xã hội và khả năng tiếp cận nguồn tài chính không đầy đủ. Hệ sinh thái các tổ chức hỗ trợ SIB cũng còn thiếu cả về số lượng, chất lượng và sự kết nối. Các chính sách hỗ trợ SIB nằm ở các quy định khác nhau khiến SIB khó tiếp cận….
Trong khuôn khổ Diễn đàn trao đổi về tác động giữa Việt Nam-Canada do Đại sứ quán Canada tại Việt Nam khởi xướng, tại buổi họp báo "Kết nối thị trường tác động Việt Nam-Canada: Hành trình bắc cầu thịnh vượng" ngày 15/12, trao đổi với báo chí, ông Brian Allemekinders, Tham tán Phát triển, Đại sứ quán Canada cho biết, sự hợp tác giữa Việt Nam và Canada trong thúc đẩy phát triển hệ sinh thái SIB là lĩnh vực rất mới và có thể giúp cho cả Canada và Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển bền vững.
"Đối với phát triển bền vững, chúng ta nhận thấy không thể làm một mình và cần phải hợp tác với nhau. Các SIB Việt Nam có những sáng kiến, ý tưởng kinh doanh không giới hạn để không chỉ thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho người yếu thế mà còn đem đến những thay đổi tích cực trong bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu. Canada rất vui được đồng hành và chào đón các SIB Việt Nam đến thị trường Canada", ông Brian Allemekinders nói.
Theo ông Brian Allemekinders, Canada coi khu vực tư nhân là một nhân tố quan trọng trong việc đáp ứng các mục tiêu phát triển quốc gia, do đó, Canada hướng tới cải thiện môi trường thuận lợi cho phát triển đầu tư và kinh doanh, đồng thời mong muốn thúc đẩy trao đổi xuất nhập khẩu và kết nối các SIB giữa Việt Nam và Canada.
Hiện nay, Canada sở hữu một hệ sinh thái SIB mạnh mẽ với số lượng SIB ngày càng tăng và nhiều nhóm nhà đầu tư tác động khác nhau đang tìm kiếm cơ hội ở cả Canada và trên toàn cầu.
Chia sẻ kinh nghiệm của Canada, ông Brian Allemekinders cho biết, Canada đã ban hành luật ở cả cấp liên bang và ở từng tỉnh được thiết kế riêng cho các SIB. Canada có các quỹ và cơ quan chính quyền địa phương cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp này, bao gồm các cơ chế như tín dụng thuế, đào tạo...
Cũng theo ông Brian Allemekinders, Việt Nam và Canada có tiềm năng đáng kể để tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong việc phát triển các SIB, cũng như thúc đẩy đầu tư tác động. Mặc dù thị trường có tiềm năng đáng kể nhưng cần có thời gian để doanh nghiệp hai bên hiểu rõ và tuân thủ các tiêu chuẩn cần thiết.
Đối với Việt Nam, Canada sẽ có sự hỗ trợ về tài chính nhưng đó không phải là tất cả. Mục tiêu cao hơn đó là sự kết nối sâu rộng và hiệu quả hơn nữa giữa các bên liên quan trong hệ sinh thái, từ cả khối công và khối tư nhân, các tổ chức như UNDP…
Theo KisStartup và Spring Activator (Canada) - 2 đơn vị tổ chức Diễn đàn trao đổi về tác động giữa Việt Nam-Canada, Diễn đàn đã thành công tốt đẹp, tạo nên cơ hội và nền tảng cho sự hợp tác, đầu tư và phát triển bền vững giữa Việt Nam và Canada.
Chuỗi sự kiện với 10 hoạt động mở và hơn 30 hoạt động huấn luyện riêng cho các dự án được hỗ trợ trực tiếp đã nhận được sự tham gia tích cực của doanh nghiệp và nhà đầu tư từ cả hai quốc gia trong thời gian từ tháng 9 đến tháng 12/2023.
Theo đó, hơn 330 lượt tham dự các hoạt động mở của chuỗi sự kiện. Hơn 50 kết nối đã được thực hiện giữa doanh nghiệp Việt Nam và Canada. Sự giao thương này không chỉ mở ra những cơ hội mới mà còn thể hiện sự hỗ trợ và tương tác tích cực trong quá trình xây dựng mối quan hệ kinh doanh.
Đặc biệt, 19 doanh nghiệp đã được lựa chọn mẫu bởi nhà bán buôn tại Canada và Mỹ. Ngoài ra, 21 doanh nghiệp đã sau khi được hỏi hàng đã chủ động gửi báo giá và thông tin về logistics cho đối tác. 8 doanh nghiệp Canada đã thể hiện sự quan tâm và sẵn sàng hợp tác với các SIB Việt Nam. Tỉ lệ tham gia của các SIB nữ, bao gồm cả phụ nữ dân tộc thiểu số, chiếm trên 50%.
Chuỗi workshop về đầu tư tác động trực tuyến với sự tham gia của các chuyên gia, nhà đầu tư quốc tế đã nhận được sự quan tâm đặc biệt với hơn 300 lượt tham gia, tạo nên một không gian học hỏi tích cực. Bên cạnh đó, Diễn đàn trao đổi tác động Việt Nam-Canada đã tập trung vào việc tạo điều kiện các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, đặc biệt là 4 startup tạo tác động và 26 doanh nghiệp khác tham gia hoạt động của diễn đàn...
Theo các chuyên gia, trong thời gian tới, xu hướng tiêu dùng quan tâm đến môi trường và xã hội của người dân Canada đang đặt ra cho các doanh nghiệp mong muốn gặt hái thành công trên thị trường này sự điều chỉnh phù hợp. Do đó, các doanh nghiệp cần "tìm kiếm câu chuyện tạo tác động mới" trong quá trình quảng bá sản phẩm và dịch vụ cho người tiêu dùng Canada.
Mặt khác, các doanh nghiệp ở Việt Nam đang tìm kiếm những đối tác có khả năng cung cấp các giải pháp công nghệ cao, đặc biệt là những giải pháp mang lại hiệu suất và độ bền cao với chi phí hợp lý. Canada, với vị thế trong lĩnh vực công nghệ và nghiên cứu, trở thành điểm đến lý tưởng cho doanh nghiệp Việt Nam muốn nâng cao chất lượng và hiệu quả của sản phẩm và dịch vụ của mình.
Trong cuộc chơi quốc tế, cả doanh nghiệp Việt Nam và Canada đều đối diện với thách thức trong việc hiểu rõ về cách kinh doanh và quy trình xuất nhập khẩu của đối phương. Đặc biệt, việc tận dụng hiệu quả của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đòi hỏi sự kiên nhẫn và sự nắm bắt sâu rộng về các quy định thương mại giữa các quốc gia thành viên.
Tuy nhiên, trong thách thức cũng chính là cơ hội, nơi mà sự đồng lòng và sẵn sàng học hỏi sẽ giúp các doanh nghiệp từ cả hai quốc gia tận dụng được những lợi ích to lớn mà CPTPP mang lại.
Hoàng Giang