In bài viết

Việt Nam có 15 khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2030

(Chinhphu.vn) - Bộ TN&MT tiếp tục hướng dẫn đề cử, quản lý các khu dự trữ sinh quyển thế giới, phấn đấu đến năm 2030 có 15 khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận và nâng cao hiệu quả quản lý.

03/11/2022 14:20
Việt Nam có 15 khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2030 - Ảnh 1.

Trồng cây hưởng ứng "Sáng kiến 1 tỷ cây xanh" tại Khu Dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà

Tại phiên họp thứ 41 (năm 2021), Đại hội đồng UNESCO đã chọn ngày 3/11 hằng năm là Ngày quốc tế về khu dự trữ sinh quyển (KDTSQ) nhằm thúc đẩy bảo tồn thiên nhiên và phát triển bền vững trên toàn cầu. Năm nay, Ngày quốc tế về KDTSQ lần đầu tiên được tổ chức trên toàn thế giới.

Thực hiện trách nhiệm của quốc gia thành viên Mạng lưới các KDTSQ thế giới, ngày 3/11, Bộ TN&MT phối hợp với UBND tỉnh Hải Phòng và Ủy ban quốc gia Con người và sinh quyển (MAB) tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày quốc tế về KDTSQ tại KDTSQ quần đảo Cát Bà (địa điểm tại Vườn quốc gia Cát Bà – vùng lõi KDTSQ), huyện Cát Hải, TP. Hải Phòng.

Là nước đứng thứ hai về số lượng các KDTSQ ở Đông Nam Á, Việt Nam đã và đang nỗ lực thúc đẩy sự phát triển cân bằng, hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Các KDTSQ là nơi mang đến phương pháp thực hành lấy cộng đồng làm trung tâm để bảo tồn các hệ sinh thái và phát triển kinh tế bền vững.

Trong thời gian qua, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đã và đang có các hoạt động hỗ trợ thúc đẩy quản lý bền vững KDTSQ nhằm tăng cường khả năng phục hồi môi trường trước các mối đe dọa ngày càng tăng do biến đổi khí hậu gây ra và thúc đẩy sinh kế cho người dân địa phương. Việc thiết kế quản lý tích hợp các KDTSQ là điều vô cùng cần thiết để giải quyết những thách thức trước mắt và đảm bảo sự chung sống lâu dài giữa con người với thiên nhiên.

UNDP luôn đề cao và thực hiện các giải pháp quan trọng nhằm đẩy mạnh sự hài hòa giữa phát triển và bảo tồn thiên nhiên, bao gồm việc cải thiện cơ cấu kinh tế xã hội cho người dân vùng nông thôn, cũng như bảo vệ môi trường sống của họ. Đồng thời, lồng ghép bình đẳng giới và hòa nhập xã hội được thể hiện trong các thiết kế dự án, nhằm tối đa hóa mức độ đại diện và tham gia trong các tham vấn cải thiện khung pháp lý, triển khai hành động liên ngành hiệu quả và nâng cao năng lực, nhận thức. Đặc biệt, các dự án luôn khuyến khích tăng cường sự tham gia của các nhóm dân tộc thiểu số và phụ nữ vào các chuỗi giá trị nông nghiệp, sản xuất dưới tán rừng và du lịch sinh thái, cũng như hỗ trợ sinh kế từ rừng cho cộng đồng địa phương.

Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, chia sẻ: "Các nhà lãnh đạo quốc gia và địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc định hình tương lai của các KDTSQ. Hưởng ứng Ngày quốc tế lần thứ nhất về KDTSQ, chúng tôi kêu gọi các hành động đồng bộ, phối hợp đa bên để bảo vệ thiên nhiên và môi trường, cũng như cần ưu tiên xem xét các nhu cầu của cộng đồng địa phương trong công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, duy trì cách tiếp cận cảnh quan và tăng cường hấp thụ khí nhà kính để đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 mà cộng đồng quốc tế đặt ra".

Đa dạng hóa nguồn lực để quản lý các KDTSQ

Tại lễ mít tinh, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân đề nghị các cơ quan trung ương, UBND các tỉnh, thành phố có KDTSQ tiếp tục hợp tác triển khai các hành động nhằm thúc đẩy việc phát triển mạng lưới các KDTSQ trong thời gian tới.

Cụ thể: Tổ chức tuyên truyền, phổ biến về giá trị và tầm quan trọng của các KDTSQ đối với sự sống của con người và thiên nhiên, đồng thời kêu gọi mọi người dân cùng cam kết bảo vệ, sử dụng bền vững các dịch vụ hệ sinh thái, tăng cường quản lý và phát huy chức năng về bảo tồn, hỗ trợ và phát triển của các KDTSQ tại địa phương.

Thúc đẩy việc triển khai hiệu quả các quy định về quản lý, bảo vệ môi trường KDTSQ và nâng cao hiệu quả hoạt động của các ban quản lý và trách nhiệm của chính quyền các cấp trong quản lý bền vững KDTSQ.

Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, giáo dục và phát huy các giá trị văn hóa của KDTSQ; áp dụng các mô hình sinh kế bền vững, thúc đẩy các sáng kiến bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, các biện pháp thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu; xây dựng các KDTSQ trở thành các mô hình mẫu về phát triển bền vững.

Đẩy mạnh các giải pháp đầu tư vào bảo tồn, quản lý và phát triển bền vững các KDTSQ thế giới tại địa phương để tăng cường kết nối giữa con người và thiên nhiên, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Huy động và đa dạng hóa các nguồn lực để hỗ trợ và tăng cường hiệu quả quản lý các KDTSQ; tăng cường hợp tác với UNESCO, các tổ chức quốc tế, các thành viên trong mạng lưới KDSTQ trên thế giới; tiếp tục mở rộng và phát triển mạng lưới các KDTSQ thế giới tại Việt Nam.

Bộ TN&MT đang tiếp tục hướng dẫn đề cử, quản lý các KDTSQ thế giới, phấn đấu đến năm 2030 có 15 KDTSQ thế giới được UNESCO công nhận và nâng cao hiệu quả quản lý. Đồng thời, Bộ hỗ trợ triển khai các hoạt động bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và quản lý KDTSQ Tây Nghệ An, KDTSQ Cù Lao chàm-Hội An, KDTSQ Đồng Nai trong khuôn khổ dự án "Lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội và quản lý các khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam" (dự án BR) do Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ thông qua UNDP tại Việt Nam.

Cùng với lễ mít tinh, chương trình trồng cây để hưởng ứng và thúc đẩy thực hiện "Sáng kiến 1 tỷ cây xanh" tại các KDTSQ thế giới ở Việt Nam và lễ tổng kết hoạt động Mạng lưới KDTSQ năm 2022 cũng được tổ chức.

KDTSQ thế giới là một danh hiệu do UNESCO trao tặng cho các khu vực có giá trị đặc biệt về thiên nhiên và đa dạng sinh học nhằm thúc đẩy các thực hiện các giải pháp hài hòa việc bảo tồn và phát triển.

Tại Việt Nam, KDTSQ thế giới đầu tiên được công nhận là KDTSQ rừng ngập mặn Cần Giờ vào năm 2000.

Sau 22 năm phát triển, Việt Nam đã có một hệ thống bao gồm 11 KDTSQ thế giới được UNESCO công nhận. Tổng diện tích của 11 KDTSQ thế giới tại Việt Nam là 4.866.009 ha (chiếm khoảng 14,69% diện tích tự nhiên của cả nước). Các KDTSQ Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong bảo tồn thiên nhiên và góp phần thúc đẩy đạt mục tiêu bền vững của quốc gia.

Thu Cúc