In bài viết

Việt Nam coi trọng hoạt động tương trợ tư pháp với các nước

(Chinhphu.vn) – Việt Nam đánh giá cao sự hợp tác có hiệu quả của các cơ quan tư pháp ASEAN với Trung Quốc, trong đó có sáng kiến tổ chức Hội nghị Viện trưởng Viện Kiểm sát, Viện trưởng Viện Công tố.

24/11/2009 12:45

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: DĐDN

Hội nghị Viện trưởng Viện Kiểm sát, Viện trưởng Viện Công tố các nước ASEAN và Trung Quốc lần thứ 6 khai mạc sáng nay (24/11) tại Hà Nội với chủ đề “Tăng cường hợp tác trong việc thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia”.

Phát biểu chào mừng Hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cho rằng, mối quan hệ tốt đẹp giữa ASEAN và Trung Quốc đã và đang tạo tiền đề thuận lợi cho hợp tác ngày càng phát triển.

Tham dự Hội nghị có Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương thuộc khối Tư pháp, Đại sứ và đại diện ngoại giao các nước ASEAN, cùng gần 200 đại biểu của 14 Đoàn Viện Kiểm sát, Viện Công tố các nước ASEAN và Trung Quốc.

Hội nghị diễn ra từ 24-26/11.

Việc tăng cường trao đổi kinh nghiệm, hợp tác về khoa học, giáo dục, lao động, bảo vệ môi trường, hoạt động tư pháp, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia là những minh chứng sinh động về hiệu quả của sự liên kết, hợp tác song phương và đa phương giữa các nước ASEAN và Trung Quốc.

Việt Nam đánh giá cao sự hợp tác có hiệu quả của các cơ quan tư pháp ASEAN với Trung Quốc, trong đó có sáng kiến tổ chức Hội nghị Viện trưởng Viện Kiểm sát, Viện trưởng Viện Công tố.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng nêu bật những nỗ lực của  Việt Nam trong việc cải cách hoạt động tư pháp.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đề nghị, trong khuôn khổ Hội nghị, lãnh đạo các cơ quan kiểm sát, công tố các nước ASEAN và Trung Quốc đa dạng hóa hình thức, nội dung trao đổi kinh nghiệm đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, xây dựng cơ chế tin cậy trong việc cung cấp và tiếp nhận thông tin về tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.  

Theo Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam Trần Quốc Vượng, tại Việt Nam, việc đấu tranh chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia đã và đang là một nhiệm vụ quan trọng trong Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm. Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ với Liên Hợp Quốc và các nước trong lĩnh vực này.

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam cam kết thực thi hiệu quả, nhanh chóng, đáp ứng kịp thời các yêu cầu hợp tác của cơ quan công tố các nước, mong muốn nhận được sự hợp tác và hỗ trợ từ phía Viện Kiểm sát, Viện Công tố các nước ASEAN và Trung Quốc trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là các loại tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.

Năm 1997, Việt Nam trở thành thành viên các Công ước Liên Hợp Quốc về kiểm soát ma túy, năm 2000 tham gia Công ước Liên Hợp Quốc về phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; cảnh sát Việt Nam đã tham gia INTERPOL và ASEANAPOL.

Tháng 6/2009, Việt Nam đã ký phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng, chính thức cùng gần 140 nước tham gia vào khuôn khổ pháp lý toàn cầu về hợp tác trong phòng, chống tham nhũng.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã tham gia, phê chuẩn, ký kết hàng chục công ước, hiệp định với Liên Hợp Quốc, các tổ chức quốc tế và với các nước khác trên thế giới về chống khủng bố, chống tội phạm quốc tế.

Việt Nam hết sức coi trọng hoạt động tương trợ tư pháp với các nước, coi đây là biện pháp trực tiếp góp phần đấu tranh có hiệu quả đối với các loại tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.

                                                                                                                                                      An Bình