Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng cùng Đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam đã dự Khai mạc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Đan Mạch.
|
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại Diễn đàn - Ảnh Cổng TTĐT Chính phủ
|
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, doanh nghiệp hai nước sẽ là đội quân chủ lực góp phần thúc đẩy hợp tác trên lĩnh vực kinh tế, thương mại giữa Việt Nam – Đan Mạch.
Phó Thủ tướng cho biết, hiện có hơn 9.000 doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp Đan Mạch với những dự án lớn đã và đang được khởi động. Tuy nhiên, đầu tư của Đan Mạch vào Việt Nam còn khiêm tốn (hơn 350 triệu USD), chưa xứng với tiềm năng của hai nước. Hiện nay, Đan Mạch chỉ xếp thứ 22 trong số các nước và lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Phó Thủ tướng mong muốn, từ nay đến năm 2010, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Đan Mạch sẽ tăng gấp hai lần, tổng mức đầu tư của Đan Mạch vào Việt Nam khoảng gần 1 tỷ USD.
Phó Thủ tướng khẳng định, Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác để giải quyết các khó khăn mà doanh nghiệp hai nước đang gặp phải vì mục tiêu đẩy mạnh quan hệ đầu tư, kinh tế, thương mại, tiếp tục củng cố và phát triển mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa Chính phủ và nhân dân hai nước.
Hơn 30 doanh nghiệp Việt Nam tham dự Diễn đàn đã cùng các doanh nghiệp hàng đầu của Đan Mạch trao đổi thông tin, tìm kiếm đối tác, khảo sát thị trường và tăng cường quan hệ hợp tác. Hiện nay, có hơn 100 doanh nghiệp Đan Mạch đang hoạt động tại Việt Nam, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, chiếm khoảng 87% tổng vốn đầu tư của nước này; tiếp theo là lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, chiếm 7% và lĩnh vực dịch vụ chiếm 6% vốn đầu tư.
Tại Diễn đàn, Phó Giám đốc Liên đoàn Công nghiệp Đan Mạch Thomas Bustrup cho rằng, Việt Nam đang mở ra nhiều cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp Đan Mạch. Ngày càng nhiều doanh nghiệp Đan Mạch tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Điều đó thể hiện sự năng động trong mối quan hệ hợp tác giữa hai nước.
|
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng chứng kiến lễ ký kết các thỏa thuận hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước - Ảnh Cổng TTĐT Chính phủ
|
Ông Thomas Bustrup cho biết, các doanh nghiệp Đan Mạch đều đánh giá cao môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Trong đó, yếu tố quyết định chính là nền chính trị - kinh tế ổn định, yếu tố cạnh tranh cao; lao động Việt Nam trẻ, chăm chỉ và sáng tạo.
Phó Giám đốc Liên đoàn Công nghiệp Đan Mạch mong muốn, hai nước sẽ thiết kế được cầu nối vững chắc cho doanh nghiệp hai bên hợp tác lâu dài, hiệu quả.
Về phía các doanh nghiệp Việt Nam, mặt hàng xuất khẩu lớn nhất sang Đan Mạch là dệt may (khoảng 42 triệu USD năm 2006), tiếp theo là giầy dép và đồ gỗ, hàng kim khí, thủ công mỹ nghệ, thiết bị điện, cà phê… Gần đây, với năng lực ngày càng được nâng cao của đội ngũ công nhân lành nghề trong ngành tàu thủy, Việt Nam đã tăng cường hợp tác liên doanh với Đan Mạch trong việc gia công, chế tạo các loại tàu thủy.
Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam cho biết, xuất khẩu vào thị trường Đan Mạch thuận lợi bởi đây là cửa ngõ nối liền phía Bắc với phần còn lại của Châu Âu. Mặt khác, Đan Mạch thực hiện chính sách tự do hóa thương mại và mở cửa thị trường, cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam nằm trong nhóm hàng mà Đan Mạch đã giảm hoặc ít xuất khẩu.
Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng cùng Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Hòa, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Dũng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đoàn Duy Khương đã có cuộc Hội thảo với một số doanh nghiệp Đan Mạch.
Phó Thủ tướng đã chứng kiến Lễ ký kết Hợp đồng Liên doanh Cảng Quốc tế Đình Vũ - Hải Phòng với tổng vốn đầu tư 165 triệu USD, tổng diện tích cảng 21 ha, công suất cảng dự kiến 1 triệu TEU/năm, đón được tàu có tải trọng 20.000 tấn và trong tương lai là 24.000 tấn, giữa Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy Phà Rừng (thuộc Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam – Vinashin) và Tập đoàn APM Terminals (APMT) của Đan Mạch; Biên bản ghi nhớ về nghiên cứu chiến lược tổng thể phát triển cụm cảng khu vực nước sâu phía Bắc Việt Nam, trọng tâm là khu vực Đình Vũ, Lạch Huyện nhằm tạo kênh thông tin tham vấn cho Chính phủ Việt Nam về phát triển khu vực cảng này, giữa Vinashin và APMT. Dự kiến tổng vốn đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD.
Kiều Liên
|