![]() |
Cơ cấu dân số vàng là cơ hội để Việt Nam xây dựng đội ngũ nhân lực có chất lượng. |
Theo báo cáo trên, mức sinh của Việt Nam vẫn tiếp tục giảm trong 10 năm qua. Tổng tỷ suất sinh duy trì dưới mức thay thế, đạt 2,03 con sinh ra trên một phụ nữ.
Kết quả cũng cho thấy, đến thời điểm 0 giờ ngày 1/4/2009, cả nước có 43,8 triệu người trong độ tuổi lao động đang làm việc (chiếm 51,1% dân số).
Cùng với mức sinh và chết giảm, tuổi thọ bình quân của người Việt Nam cũng tăng lên. Sau 10 năm (kể từ Tổng điều tra 1999) tuổi thọ đã đạt 72,8 tuổi đối với nam (tăng 3,7 tuổi) và 75,6 tuổi với nữ (tăng 5,5 tuổi). Điều này khẳng định thành công của các chương trình chăm sóc sức khỏe và phát triển xã hội của Việt Nam.
Phát biểu tại buổi công bố báo cáo, bà Trần Thị Vân, Trợ lý Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) đánh giá “cơ cấu dân số vàng” là một thời kỳ, cơ hội thuận lợi để phát triển kinh tế- xã hội nếu như có các chính sách về lao động và việc làm phù hợp.
Còn ông Đỗ Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê khẳng định: “Các kết quả suy rộng mẫu chủ yếu lần này sẽ góp phần tích cực phục vụ công tác đánh giá và xây dựng kế hoạch đất nước trong thời gian tới”.
Về cơ cấu dân số hiện nay, trả lời báo chí nhân dịp Ngày Dân số thế giới 11/7/2009, ông Nguyễn Quốc Trọng – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho biết, Việt Nam đã kết thúc thời kỳ “cơ cấu dân số trẻ” vào năm 2005.
Từ năm 2007, mức sinh giảm xuống, mức chết cũng giảm từ từ đã đưa nước ta vào giai đoạn "cơ cấu dân số vàng". Dự kiến, giai đoạn dân số này sẽ đạt cực đại vào năm 2020.
Sau đó, sẽ đến thời kỳ, mức sinh tiếp tục giảm mạnh, mức chết cũng giảm rất nhiều. Tỷ suất sinh tử này sẽ tạo ra “cơ cấu dân số già", với tỷ lệ người già từ 60 tuổi trở lên tăng nhanh.
Hà Chính