In bài viết

Việt Nam: Điểm đến hấp dẫn của DN Đức

(Chinhphu.vn) - Việt Nam được coi là một trong những nơi đầu tư hấp dẫn nhất ở Đông Nam Á đối với doanh nghiệp (DN) Đức. Việc thành lập Phòng Công nghiệp và Thương mại (GVCIC) với sự tham gia của cả DN hai nước được kỳ vọng đẩy mạnh thương mại và đầu tư song phương.

06/10/2016 15:02

Phó Đại sứ kiêm Trưởng phòng Kinh tế, Trưởng phòng Lãnh sự của Đại sứ quán Đức tại Việt Nam Wolfgang Manig.

Đây là trao đổi của ông Wolfgang Manig, Phó Đại sứ kiêm Trưởng phòng Kinh tế, Trưởng phòng Lãnh sự của Đại sứ quán Đức tại Việt Nam trong một cuộc phỏng vấn mới đây của Báo Đầu tư.

Vị Phó Đại sứ cho biết, Đức hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU).

Trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do giữa EU và Việt Nam dự kiến có hiệu lực vào đầu năm 2018, theo ông Wolfgang Manig, kế hoạch thành lập một Phòng Công nghiệp và Thương mại (GVCIC) song phương toàn diện tại Việt Nam sẽ giúp đẩy mạnh thương mại hai nước, thu hút nhiều hơn đầu tư từ Đức vào Việt Nam.

Ý tưởng thành lập GVCIC đã có từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào tháng 10/2011 nhằm tạo ra một nơi trao đổi thông tin cho DN và nhà đầu tư hai nước, để tiếp cận thị trường của nhau.

Cái mới của GVCIC so với các tổ chức DN hiện tại của Đức tại Việt Nam (Đại diện Công nghiệp và Thương mại - GIC, và Hiệp Hội DN Đức - GBA) chính là các DN Việt Nam có thể tham gia vào GVCIC và hưởng lợi từ các hoạt động, dịch vụ ở đây. Hiện nay, GBA chủ yếu dành cho các DN Đức tại Việt Nam. Trong khi, GIC chỉ có một số dịch vụ hạn chế như thông tin tiếp cận thị trường dành cho DN Đức tại Việt Nam và DN Việt Nam tại Đức. Do vậy, việc thành lập GVCIC, thông qua việc sáp nhập GBA và GIC, là rất cần thiết nhằm đẩy mạnh thương mại và đầu tư song phương.

Trước đó, tại buổi tiếp Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam Christian Berger chiều 1/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý với đề xuất về việc thành lập GVCIC và cho biết sẽ giao các cơ quan chức năng trao đổi với phía Đức để nghiên cứu, triển khai.

Về phía Đức, ông Wolfgang Manig cho biết Chính phủ nước này hỗ trợ việc thành lập các phòng công nghiệp và thương mại tương tự, nếu như kim ngạch thương mại và quan hệ đầu tư song phương với nước sở tại là lớn. GVCIC về thực chất không làm tăng đầu tư. Tuy nhiên, với những thành viên là doanh nhân giỏi, hiểu sâu về kinh tế Việt Nam, GVCIC sẽ cung cấp thông tin gốc, đáng tin cậy, tác động đến quyết định đầu tư của DN.

“Ở Đức, Việt Nam được coi là một trong những nơi đầu tư hấp dẫn nhất ở Đông Nam Á”, ông Wolfgang Manig nói và khẳng định nhiều DN Đức sẽ đến đầu tư, nhưng với điều kiện Việt Nam cần đẩy mạnh cải cách, đặc biệt là trong các lĩnh vực hành chính và tư pháp.

T. Minh (theo Báo Đầu tư)