In bài viết

Việt Nam: Điểm sáng mới trên bản đồ công nghệ cao thế giới

Bài báo đăng trên tạp chí Mercury News của Mỹ cho biết về tình hình phát triển của ngành kinh doanh công nghệ cao tại Việt Nam.

18/04/2006 11:02

Sau nhiều năm nỗ lực, cuối cùng Việt Nam trở thành điểm sáng mới  trên bản đồ công nghệ cao thế giới. Một làn sóng những nhà khoa học-doanh nhân tài năng, trẻ trung, đầy hoài bão đã tràn tới đầu tư vào đất nước Đông Nam Á đầy hứa hẹn này. Trong số đó, có cả những người quyết tâm từ bỏ sự nghiệp tại Thung lũng Silicôn danh tiếng.  Hiện có khoảng 100 công ty phần mềm với ít nhất 50 nhân viên làm ăn tại TP Hồ Chí Minh. Còn trên cả nước, số công ty có quy mô như vậy là hơn 200. Ngành công nghiệp phần mềm non trẻ đang tạo ra việc làm cho hơn 32.000 người tại thành phố trung tâm kinh tế của đất nước này. Gần đây, tập đoàn sản xuất chíp bán dẫn Intel đã quyết định đầu tư hơn 300 triệu USD để xây dựng nhà máy tại đất nước đang tăng trưởng với tốc độ 8,5% này. Chủ tịch Tập đoàn Microsoft Bin Ghết cũng sẽ  đến thăm Việt Nam trong tuần này. “Việt Nam có rất nhiều thanh niên tài năng. Cứ cho họ thời gian anh sẽ thấy những kết quả diệu kỳ”, ông Anbec Pang, chuyên gia phân tích phần mềm của công ty IDC nói. Sự phát triển của các quốc gia như Việt Nam đương nhiên sẽ phần nào “bòn rút” công việc của Thung lũng Silicôn. Tuy nhiên, theo ông Pang, đó lại chính là cơ hội tuyệt vời để các công ty công nghệ cao của Thung lũng Silicôn mở rộng hoạt động. “Ngày nay công ty công nghệ cao nào muốn phát triển thì phải có mặt tại châu Á”, ông Pang nhận định.

Việt Nam cũng giống như Ấn Độ hay Trung Quốc đang dang tay đón chào những người con từ Thung lũng Silicôn trở lại quê hương lập doanh nghiệp hay điều hành công ty. Phần lớn các công ty phần mềm hoạt động tại Việt Nam đều do Việt kiều đầu tư. Với chủ trương mới của Nhà nước Việt Nam, hiện nay, Việt kiều đã trở thành cầu nối giữa công nghệ cao và đất nước này. “Tôi tin vào tiềm năng của Việt Nam”, ông Nguyễn Thịnh, người sáng lập Công ty phát triển phần mềm Kim tự tháp (PSD) nói. Dù PSD có trụ sở chính ở Mỹ, nhưng hầu hết 70 nhân viên đều là người Việt Nam và làm việc tại TP Hồ Chí Minh. Ông  Nguyễn Thịnh dự tính công ty 5 năm tuổi này sẽ tăng gấp đôi doanh thu trong năm nay, đạt 1 triệu USD và lần đầu tiên có lãi. Ông Nguyễn Thịnh cũng dự định mở rộng quy mô công ty, đưa tổng số nhân viên lên hơn 200 người. “Hãy nhìn sự năng động của thành phố này. Hầu như tất cả mọi người đều  mong muốn được làm giàu chính đáng. Thật là môi trường  hấp dẫn không kém bất cứ nơi nào trên thế giới”, ông Nguyễn Thịnh hào hứng nói. Ông Nguyễn Thịnh nói rằng các công ty phần mềm như PSD làm ăn thuận lợi tại Việt Nam phần nào là do được hưởng lợi từ sự tăng trưởng của thị trường công nghệ cao toàn cầu nhưng quan trọng hơn cả là ước vọng được làm việc của các kỹ sư Việt Nam. “Ở Ấn Độ, nếu anh có một hợp đồng nhỏ thì chẳng có ai quan tâm cả. Ở đây, nếu anh có một hợp đồng tạo công việc dù chỉ cho 20, 40 người thôi thì cũng được trân trọng”, ông Nguyễn Thịnh nói.

Chi phí lao động tại Việt Nam khá thấp. Một kỹ sư phần mềm của Việt Nam hưởng lương từ 3.500 USD đến 13.000 USD/năm. Tại Ấn Độ, mức lương là từ 7.000 USD đến 30.000 USD, trong khi các kỹ sư tại thung lũng  Silicôn được trả từ 79.000 USD đến 125.000 USD/năm. Một trong những yếu tố quan trọng các công ty thường xem xét khi quyết định đầu tư là sự ổn định về chính trị, xã hội. Với tiêu chí này, Việt Nam luôn là lựa chọn hàng đầu. “Việt Nam rất an toàn. Ở đây chẳng bao giờ có khủng bố cả”, ông Kevin Nguyễn, sáng lập viên của Global Cybersoft nói.

Tuy còn một số vấn đề về cơ sở hạ tầng hay hệ thống pháp lý chưa hoàn thiện nhưng có thể nhận rõ nỗ lực thúc đẩy phát triển các ngành công nghệ cao của Việt Nam. Hàng loạt công viên công nghệ cao được thành lập, các doanh nghiệp được hưởng ưu đãi lớn về thuế. Rất nhiều khả năng trong năm nay Việt Nam sẽ trở thành thành viên WTO, khi đó các công ty công nghệ cao nói riêng và cộng động doanh nghiệp nói chung lại càng có cơ hội phát triển.

 

Đặng Nguyễn